Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen hy vọng đưa Việt Nam sản xuất được mức 10-20 triệu tấn/năm vào năm 2050, sử dụng cả năng lượng tái tạo lẫn thu hồi carbon. Việc sản xuất, phân phối và sử dụng hydro giúp “đáp ứng các mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và đạt được mục tiêu về phát thải bằng 0 vào năm 2050”.
Nếu đạt được sản lượng hydro đầy tham vọng trên, nguồn năng lượng đó sẽ phần nào thay thế khí đốt tự nhiên và than tại các nhà máy điện vào năm 2030. Bên cạnh đó, hydro cũng sẽ được sử dụng trong ngành vận tải, sản xuất phân bón, thép và xi măng.
Ngoài ra, đến năm 2050, hydro sẽ đóng vai trò trong 10% hoạt động phát điện của đất nước cùng lúc phấn đấu đáp ứng mục tiêu Net Zero.
Mục tiêu tổng thể của chiến lược là phát triển hệ sinh thái Hydro của đất nước trong các lĩnh vực sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Việt Nam sẽ huy động cả nguồn vốn công lẫn tư để sản xuất hydro, bao gồm ngân khoản từ việc phát hành trái phiếu xanh và từ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một chương trình tài trợ được tạo thành bằng các khoản đầu tư cổ phần, viện trợ và các khoản vay ưu đãi từ các nước thành viên Nhóm G7, các ngân hàng đa phương và các bên cho vay tư nhân.
Chiến lược cũng đặt ra kế hoạch xây dựng và bổ sung các quy định về phát triển năng lượng tái tạo nhằm thiết lập “nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch và thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng mới và tái tạo”.
Chu Văn (Theo Reuters, H2View)