Tham vọng và cơ hội triển khai của TPHCM
TPHCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, chủ yếu đến từ ngành sản xuất công nghiệp (khoảng 20 triệu tấn) và giao thông (khoảng 13 triệu tấn). Với Quyết định số 3273, TPHCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương với khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới.
“Đây là một mục tiêu đầy tham vọng”, báo cáo của nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol và Đại học UEH (gồm GS.TS Trần Ngọc Thơ, TS. Hồ Quốc Tuấn, TS. Lê Đạt Chí và ThS Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Nguyễn Ngân Trang), được công bố tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo SGGP tổ chức ngày 6/9 nhận định.
Mặc dù tham vọng nhưng TPHCM có điểm thuận lợi là Nghị quyết 98 mà Quốc hội thông qua hồi tháng 6 đã gợi mở hướng đi phát triển bền vững của thành phố, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải chung của quốc gia. Theo đó, các chuyên gia nhắc đến nhiều nhất là cơ hội xây dựng thị trường tài chính xanh, trong đó có cả thị trường tín chỉ carbon.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh), thành viên trong nhóm nghiên cứu, cũng nói thêm rằng xu hướng xây dựng hệ thống tài chính hút nguồn vốn việc xây dựng trung tâm tài chính xanh cần đi vào thực chất và các chính sách cần phải “thực dụng” trong bối cảnh hoạt động “vay xanh” đi kèm nhiều rủi ro. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là “Việt Nam nên đi theo hướng nào”.
Gợi ý của nhóm nghiên cứu trên là xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính xanh, bao gồm dòng vốn trái phiếu hay tín dụng từ ngân hàng, hay thị trường tín chỉ carbon. Bài học tương tự có thể tham khảo từ trường hợp của Thượng Hải (Trung Quốc) hay Singapore, đi rất sớm trong việc xây dựng cơ chế hình thành, thu hút nguồn vốn xanh cho mục tiêu giảm phát thải. Mục tiêu này cũng phù hợp với tham vọng trước đó mà TPHCM đặt ra là trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực.
Cụ thể hơn, ThS Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học UEH, cho rằng TPHCM cần xây dựng các ưu đãi chính sách làm giảm rào cản gia nhập cho tín dụng xanh, thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành. Đặc biệt, TPHCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, cho biết chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam được nhắc đến trên ba khía cạnh. Một là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hai là xanh hóa sản xuất; ba là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Theo đó, TPHCM có thể nghiên cứu xây dựng thị trường, phát hành trái phiếu xanh để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án liên quan đến giảm phát thải, chẳng hạn như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ, dự án chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo, đốt rác phát điện, nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, hay các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu,…
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), TPHCM hiện sẽ phải đi đầu trong nỗ lực triển khai thị trường tín chỉ carbon, do đó khuyến khích địa phương này cần phải có nhiều sáng kiến hơn. Đồng thời, bà cũng đưa ra lưu ý rằng không có sự chuyển đổi nào mà thiếu vắng “bàn tay” của doanh nghiệp. “Đó mới là người chơi chính”, bà Thủy nói.
Cần tăng tốc
Hiện nay, ảnh hưởng của câu chuyện bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đến hoạt động doanh nghiệp ngày càng rõ rệt hơn. Từ đầu tháng 10, khu vực liên minh châu Âu sẽ đánh thuế carbon một số mặt hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng.
Về lâu dài, việc đánh thuế sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu, giảm lợi thế cạnh tranh. Dù vậy, với các diễn giả chia sẻ tại hội thảo, điều đáng lo ngại hơn hiện nay là hàng loạt câu hỏi mà doanh nghiệp đang thắc mắc vẫn chưa rõ ràng. Chẳng hạn phải mua tín chỉ carbon ở đâu, bán ở đâu. Một lo ngại khác cũng được nêu lên là nếu chậm chân, dòng tiền lại chảy ra bên ngoài khi thị trường tín chỉ carbon trong nước chưa hình thành.
Từ góc độ nhà quản lý, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), tỏ ý lo ngại về nhận thức của doanh nghiệp theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Bà nói, trong vòng một năm qua các cấp chính quyền đã nỗ lực tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin, nhưng cho đến nay nhận thức của doanh nghiệp về tài chính xanh, thị trường carbon chưa được cải thiện nhiều dù nhu cầu tìm hiểu là có.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nêu lên thực trạng về việc cộng đồng doanh nghiệp hiện rất bức xúc vì “nước đã tới chân” nhưng chưa rõ về câu chuyện “xanh”. Điểm tích cực là nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn, nhưng vẫn cần có cơ chế cụ thể. “Cộng đồng doanh nghiệp mong các cơ quan quản lý vào cuộc sớm hơn, tạo môi trường pháp lý sớm hơn cho doanh nghiệp. Việc chuyển động hiện nay quá chậm”, ông Hòa phát biểu.
TS. Tô Xuân Phúc, Đại học Humboldt Berlin (Đức), đánh giá thị trường carbon là cơ hội thu hút nguồn tài chính mới để giảm phát thải, tuy nhiên để biến thành cơ hội thì Việt Nam phải trả lời rất nhiều câu hỏi. Một gợi ý để giúp TPHCM là cần phải có sự tham gia của khối tư nhân, các nhà khoa học trong câu chuyện tư vấn cho chính quyền để đưa ra định hướng tốt hơn, đáp ứng được câu chuyện cam kết giảm phát thải. “Đặt trong bối cảnh TPHCM nói riêng thì câu hỏi này là cực kỳ quan trọng và phải giải quyết càng sớm càng tốt”, ông Phúc nói.
Theo bà Thủy, khó khăn đến từ nhiều phía khi việc tạo tín chỉ carbon không dễ dàng và còn vướng mắc về pháp lý. Bên cạnh đó, một vấn đề khác là khoảng cách quá lớn giữa chính quyền các cấp và doanh nghiệp khi chưa có sự gắn kết và chia sẻ với nhau, đặc biệt ở địa phương.
Cập nhập thêm thông tin tại hội thảo, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, cho biết bộ được giao xây dựng thị trường carbon. Các chính sách dự kiến phải hoàn thành trước tháng 7/2024 để đến năm 2025 có thể thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Tham vọng của bộ là phát triển dựa trên hạ tầng chứng khoán, đưa hàng hóa lên thị trường và tạo ra môi trường công khai minh bạch cho câu chuyện trao đổi. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết hiện ủy ban đang xem xét về việc xây dựng Luật Biến đổi khí hậu, thậm chí có luật về năng lượng tái tạo và sẽ thông tin cụ thể sau.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết với Nghị quyết 98, TPHCM nên nhanh chóng triển khai xây dựng, thiết lập thị trường tài chính xanh, tín chỉ carbon. Trong đó có một số điểm đáng lưu ý là không làm sản phẩm dàn trải, mà phải mang tính đặc thù riêng của TPHCM.
Nhìn về phía vĩ mô, bài toán giảm phát thải khí nhà kính trong khi muốn tăng trưởng kinh tế cao, công nghiệp hóa là một bài toán nan giải, theo TS. Trương Văn phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Ông Phước cho rằng tài chính xanh và thị trường carbon chỉ là công cụ chứ không phải là mục tiêu trong lộ trình Net Zero vào năm 2050. Do đó, ông nhấn mạnh nên quan tâm đến các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì, thị trường đòi hỏi gì để giúp doanh nghiệp thiết thực nhất. Mặc dù đã có một số quy định đầu tiên, như Nghị định 06/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhưng vấn đề là các bộ ngành đã thực thi như thế nào, TS. Phước đặt câu hỏi.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết trong thời gian qua thành phố nghiên cứu chiến lược chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ được chính thức công bố tại diễn đàn kinh tế của TPHCM trong thời gian tới.
Với TPHCM, nhóm nghiên cứu trên cũng đề xuất thành phố cần đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty trong những ngành quan trọng, có lộ trình và hướng đến rõ ràng cho các doanh nghiệp hơn. Đồng thời, TPHCM cần cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải gắn liền với các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, đi cùng với ưu tiên sử dụng công nghệ sạch, giảm phát thải. Ngoài ra cần thúc đẩy nhanh thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải bắt buộc (ETS), đồng thời ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng của thuế carbon tham gia thị trường ngay từ giai đoạn thí điểm.
Dũng Nguyễn