Luật quan trọng nhất trong khung chính sách năng lượng ở Trung Quốc, đối với năng lượng tái tạo là Luật Năng lượng Tái tạo (REL) ra đời năm 2005 và được sửa đổi năm 2009. Ngoài ra, quốc gia này còn có các luật liên quan đến vấn đề năng lượng tái tạo, chẳng hạn như Luật Năng lượng chung, hoặc Luật bảo vệ Môi trường và khí hậu.
Trung Quốc đã phát triển một loạt các kế hoạch 5 năm, trung hạn, dài hạn, đưa ra các hướng dẫn và mục tiêu để thúc đẩy năng lượng tái tạo (NLTT). Các quy hoạch ở quốc gia này có vị trí đặc biệt trong hệ thống luật, cũng như chính sách về năng lượng tái tạo, và thậm chí đôi khi còn tạo ra hiệu quả triển khai hiệu quả hơn cả luật. Cho đến nay, Trung Quốc đã hình thành một hệ thống pháp luật toàn diện về NLTT, cơ bản dựa trên REL và được bổ sung bởi các luật, chính sách liên quan khác (Hình 1).
Ngoài các luật năng lượng tái tạo riêng, các luật khác cũng có liên quan đến vấn đề này. Ví dụ: Với tư cách là một loại năng lượng, NLTT được đề cập trong Luật Bảo tồn Năng lượng (ECL), trong đó khuyến khích phát triển và sử dụng NLTT. Luật Điện lực cũng hỗ trợ phát điện từ các nguồn năng lượng sạch.
Trung Quốc đã tiến bộ đáng kể trong việc phát triển NLTT trong những năm gần đây. Ngoài việc giới thiệu Luật Năng lượng Tái tạo năm 2005 và sửa đổi Luật này vào năm 2009, Trung Quốc đã công bố một loạt các chính sách hỗ trợ để thành lập một ủy ban tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực thủy điện, năng lượng gió và quang điện (PV). Khả năng chứng nhận, xây dựng và khảo sát đã liên tục được củng cố để hỗ trợ sự phát triển quy mô lớn của các phân ngành năng lượng tái tạo.
Luật ban đầu năm 2005 và các sửa đổi của Luật Năng lượng tái tạo để lại nhiều chi tiết sẽ được xác định bởi các quy định thi hành tiếp theo. Vì lý do này, bản thân các sửa đổi sẽ không nhất thiết mang lại bất kỳ cải tiến nào cho toàn bộ hệ thống trừ khi các quy định chi tiết, hiệu quả được ban hành.
Sự phức tạp của hệ thống chính sách và luật năng lượng tái tạo của Trung Quốc dẫn đến một số khó khăn [1]:
Thứ nhất: Có rất nhiều chính sách và pháp luật điều chỉnh NLTT, bao gồm luật cấp trung ương, địa phương, luật chung và luật chuyên ngành. Trong trường hợp này, các quy định về một vấn đề nào đó nằm rải rác trong nhiều quy định khác nhau.
Ví dụ: Tất cả các dạng NLTT thường nằm dưới sự quản lý thống nhất của Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia (NEA), trong khi năng lượng nước, đại dương và địa nhiệt lần lượt do Bộ Tài nguyên nước, Cục Quản lý Đại dương Nhà nước và Bộ Đất đai và Tài nguyên phụ trách.
Sự tách biệt về thể chế này có thể dẫn đến tình trạng các chương trình NLTT phải vượt qua nhiều kỳ kiểm tra và phê duyệt của các cơ quan khác nhau, đây là một gánh nặng lớn. Hơn nữa, các quy tắc được xây dựng bởi các bộ phận khác nhau có thể không nhất quán với nhau.
Ví dụ: Thông báo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia về việc ban hành các quy định hành chính về sản xuất điện NLTT quy định rằng: Các doanh nghiệp sản xuất điện có thể đăng ký kết nối với lưới điện miễn là họ có giấy phép hành chính. Tuy nhiên, Luật Điện lực bổ sung yêu cầu các trạm phát điện phải có tư cách pháp nhân.
Thứ hai: Sự lẫn lộn giữa luật pháp và chính sách làm trầm trọng thêm sự phức tạp. Hiện tại, Trung Quốc thiếu các quy tắc hành chính đặc biệt và các quy định địa phương liên quan đến phát triển và sử dụng NLTT (ngoại trừ REL). Hơn nữa, nhiều điều khoản trong REL chỉ là nguyên tắc mà không có tính khả thi cao. Do đó, các hoạt động cụ thể thường dựa vào các văn bản chính sách.
Mặc dù các chính sách thuận lợi cho phép thúc đẩy NLTT một cách linh hoạt và nhanh hơn, nhưng về lâu dài, việc sửa đổi chính sách có thể không duy trì được sự ổn định đối với quyền, nghĩa vụ của các nhà sản xuất NLTT, thậm chí có thể làm suy yếu thẩm quyền của luật pháp.
Bên cạnh những khiếm khuyết của bản thân hệ thống pháp luật, một số quy định của pháp luật ở Trung Quốc còn khá mơ hồ và thiếu tính khả thi. Ngược lại, một đặc điểm chung của pháp luật Đức, Nhật Bản, Úc và Pháp là chúng có tính thực thi cao.
Lấy luật của Đức làm ví dụ: Sau khi giải thích nguyên tắc cho một điều khoản chung, nó thường sẽ giải thích thêm về cách áp dụng nó trong các hoạt động cụ thể, hoặc các trường hợp đặc biệt.
Ví dụ: Khi quy định nhiệm vụ kết nối lưới điện, Luật NLTT (EEG) quy định rằng: Các nhà vận hành lưới điện nói chung có nghĩa vụ kết nối các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo với các điểm tiếp cận lưới điện ngay lập tức. Ngoài ra, ở cấp độ vận hành cụ thể, nó cũng làm rõ các thủ tục mà đơn vị vận hành lưới điện phải thực hiện, thời gian xử lý các yêu cầu đấu nối lưới điện và trách nhiệm của đơn vị vận hành lưới điện nếu họ không thực hiện các nghĩa vụ.
Nhật Bản cũng quy định con số chính xác về mức phạt đối với các doanh nghiệp điện lực không thực hiện “việc sử dụng định mức”.
Nhìn chung, các điều khoản liên quan đến NLTT còn quá nguyên tắc và chung chung, có thể là do Trung Quốc bắt đầu muộn trong lĩnh vực này.
Ví dụ: Điều 13 của REL quy định “Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ hòa lưới đối với nguồn điện sử dụng NLTT”, nhưng không có biện pháp cụ thể để thực hiện quy định này.
Điều 6 của Luật Tiết kiệm Năng lượng (TKNL) quy định: “Nhà nước thực hiện hệ thống trách nhiệm về mục tiêu TKNL, hệ thống kiểm tra về TKNL và lấy việc hoàn thành mục tiêu TKNL làm mục tiêu để đánh giá kết quả hoạt động của chính quyền địa phương và người có trách nhiệm trong hệ thống đó. Điều này không thực tế, vì nó không cung cấp “mục tiêu tiết kiệm năng lượng” là gì, ai sẽ đánh giá xem mục tiêu có đạt được hay không và theo quy trình nào, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cũng như những người phụ trách. Cả luật này và các quy tắc bổ sung khác đều không giải thích chi tiết. Thay vì thúc đẩy NLTT ngày càng nhiều hơn, các nhà hoạch định chính sách đã tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề dai dẳng cản trở sự tích hợp hiệu quả của NLTT. Một chỉ số của vấn đề tích hợp NLTT được gọi là tỷ lệ cắt giảm, được định nghĩa là phần trăm điện năng từ gió, hoặc mặt trời có thể được sản xuất, nhưng lưới điện không thể chấp nhận.
REL hiện nay là luật duy nhất quy định cụ thể về các vấn đề NLTT, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn. Luật cơ bản trong lĩnh vực năng lượng là Luật Năng lượng lại cần được ban hành càng sớm càng tốt. Dựa trên luật này, các quy định về NLTT nằm rải rác trong các luật khác nhau, quy tắc hành chính, quy định của bộ và quy định của chính quyền địa phương có thể được tích hợp, hoặc làm “sạch” một cách có hệ thống. Tính liên tục, nhất quán của các luật và chính sách liên quan cũng có thể được duy trì. Các chính sách đã được thực tiễn chứng minh là chín muồi có thể dần dần nâng lên thành luật, hoặc quy định để tăng cường thẩm quyền và hiệu lực ràng buộc.
Tương lai của REL sẽ là tích hợp vào Luật Năng lượng. Vào tháng 4 năm 2020, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) đã công bố dự thảo Luật Năng lượng (Dự thảo Luật Năng lượng) để lấy ý kiến công chúng và điều này quy định rõ ràng rằng: Việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, Luật NLTT đã giúp cho phân ngành NLTT Trung Quốc phát triển với tốc độ hàng đầu thế giới. Tính đến cuối tháng 2/2023, công suất đặt điện gió ở Trung Quốc đạt 370 GW. Trong đó, điện gió trên đất liền là 340 GW và ngoài khơi 30 GW. Công suất đặt điện mặt trời đạt 410 GW, chủ yếu là mặt trời quang điện, chỉ có 670 MW điện mặt trời nhiệt. Tốc độ tăng công suất điện gió trong năm 2022 là 11% và điện mặt trời là 30,8%.
Nguyễn Anh Tuấn (B) – Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam