Hoàn thiện cơ chế chính sách là “bước đệm” cho doanh nghiệp ngành logistics chuyển đổi xanh với quy trình cụ thể, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, hiện thực mục tiêu Net Zero của Chính phủ.
Đó là chia sẻ của ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) với Doanh Nhân.
Tại Tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025” do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, các ý kiến đều thống nhất khẳng định, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt ra mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình giá cước tăng vọt hiện nay? Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là gì?
– Thực tế trong 6 tháng vừa qua, chi phí logistics gắn liền với vận tải mà đặc biệt là vận tải biển có sự tăng vọt. Giá cước vận tải biển các tuyến từ Việt Nam, Đông Nam Á sang châu Âu, bờ Đông bờ Tây nước Mỹ thì chi phí vận tải biển đã tăng xấp xỉ mức thời điểm dịch Covid-19.
Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do ảnh hưởng của vấn đề địa chính trị xung đột trên thế giới, vấn đề khủng hoảng biển Đỏ khiến thay đổi từ qua kênh đào Suez bằng hành trình vòng qua mũi Hảo Vọng, cung đường tăng lên trên 8.000 hải lý của các hãng tàu khiến thời gian kéo dài 2-3 tuần, ảnh hưởng kế hoạch về tàu biển, kế hoạch giao hàng, chi phí, chất lượng hàng hoá.
Thực tế hiện nay, trước phản ứng của thị trường thế giới trong việc Mỹ và châu Âu điều chỉnh tăng thuế, một số nhà sản xuất “chạy thuế” trước khi thuế mới được đưa vào áp dụng khiến nhu cầu vận chuyển tăng cao. Sự chưa rõ ràng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ cũng gây ra ảnh hưởng tâm lý, khiến nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng cục bộ trong giai đoạn vừa qua.
Ông dự báo thế nào về giá cước thời gian tới, đặc biệt 6 tháng cuối năm?
– Hiện nay, với sự đồng hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các Hiệp hội logistics trên thế giới cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà logistics, nhà vận tải, nhà sản xuất trong điều chỉnh lại kế hoạch vận chuyển, giá cước vận tải biển và giá cước logistics nói chung cũng đang được điều chỉnh lại.
Để đạt hiệu quả cần sự đồng hành của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải khai thác tàu biển, để điều chỉnh kế hoạch giao hàng, thu xếp vỏ container rỗng đảm bảo nhu cầu sản xuất. Hiện giá cước đã đạt đỉnh và các hãng tàu đang nỗ lực bình ổn và đi theo xu hướng giảm nhẹ.
Để hạn chế những rủi ro của chuỗi cung ứng như trên, logistics bền vững, logistics xanh được xem là tương lai của ngành, quá trình chuyển đổi này gặp những rào cản nào, thưa ông?
– Vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong logistics là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động logistics nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung hiện thực cam kết của Chính phủ về Net Zero. VLA cùng các doanh nghiệp, Tập đoàn về logistics đang nỗ lực từng bước chuyển đổi hoạt động logistics sử dụng phụ tải thông thường sang logistics được quản lý chặt chẽ hơn liên quan quy trình, môi trường, bao bì, quản trị quy trình logistics ngược. Đây là nỗ lực chung của ngành logistics Việt Nam với sự đồng hành của các nhà sản xuất tạo thành các chuỗi cung ứng xanh cho nền kinh tế.
Mặc dù các doanh nghiệp ý thức được điều này, tuy nhiên, những khó khăn trong chuyển đổi xanh vẫn còn. Theo đó, để thực hiện chuyển đổi xanh khó khăn đầu tiên với doanh nghiệp là quy trình quy phạm. Đến thời điểm hiện tại dù đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải carbon, thân thiện môi trường,… nhưng với các doanh nghiệp cảng biển, kho bãi hiện mới theo hướng khuyến khích, chưa có quy định cụ thể, chưa có chính sách triển khai và chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh yêu cầu phải đầu tư công nghệ, trang thiết bị, phụ tải. Ví dụ như trước đây chúng ta vẫn sử dụng nhiên liệu hoá thạch là dầu mỏ, than đá… tất cả các phụ tải thông thường tốn kém chi phí năng lượng cao ấy phải dần dần chuyển sang phụ tải thân thiện môi trường, nhiên liệu tái tạo. Điều này không hề rẻ. Ngay cả các máy móc yêu cầu để giảm khí thải cũng yêu cầu đầu tư tốn kém.
Ngoài vấn đề về quy định, tài chính của doanh nghiệp còn có vấn đề chấp nhận của thị trường. Bởi chi phí logistics có thể tăng lên trong quá trình chuyển đổi này của doanh nghiệp logistics. Do đó, cần sự thấu hiểu, đồng hành của các nhà sản xuất trong giai đoạn đầu này. Cũng như có giải pháp đầu tư theo hướng phân kỳ để chuyển đổi xanh. Các vấn đề này cũng sẽ được bàn thảo chi tiết hơn tại Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế – FIATA World Congress 2025 do VLA đăng cai tổ chức tháng 10/2025 tại Hà Nội.
Song song với việc tổ chức FIATA World Congress 2025 với cùng chủ đề về logistics xanh, Hiệp hội có kiến nghị gì tới Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp logistics chuyển đổi xanh?
– Việc đại diện Việt Nam đăng cai thắng thầu tổ chức FIATA World Congress 2025 của VLA là dấu ấn quan trọng khẳng định vị thế ngành logistics Việt Nam trên trường quốc tế. FIATA World Congress 2025 được coi là sự kiện “World Cup của ngành logistics”. Với chủ đề “Phát triển Logistics xanh, thích ứng nhanh” và sự tham gia của hơn 1.200 doanh nghiệp logistics hàng đầu Thế giới là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong kết nối đầu tư khẳng định vị thể ngành logistics, nâng sức cạnh tranh cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh, văn hoá, con người Việt Nam.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh logistics, VLA và các doanh nghiệp kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên nền tảng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kết nối kinh tế, kết nối các nhà logistics, nhà sản xuất tạo chuỗi logistics phát triển trên toàn thế giới, gián tiếp khẳng định vai trò của logistics Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng cơ chế phát triển, hoàn thiện các chính sách cho ngành logistics chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với quy trình cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đảm bảo ngành logistics đáp ứng được cam kết của Chính phủ về net zero.
Thứ ba, hỗ trợ vấn đề hội nhập của ngành logistics với thế giới trong phát triển các chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị như nông sản,…
Thứ tư, hỗ trợ cho các hành lang kinh tế trong đó phát triển đội tàu biển mang thương hiệu Việt Nam. Sự phụ thuộc đội tàu biển nước ngoài cũng là mấu chốt vấn đề cước vận tải biển cao thời gian qua. Do đó, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp xây dựng đội tàu biển quốc tế thương hiệu Việt kết nối từ Việt Nam tới châu Âu, Mỹ, đây là giải pháp căn cốt giúp chúng ta chủ động hơn trong chuỗi logistics của mình.
Thứ năm, thông qua các hoạt động kết nối, tiếp tục xây dựng lộ trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đủ khả năng làm chủ khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên của logistics thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA):
Khi di chuyển từ một vùng lãnh thổ này sang một vùng lãnh thổ khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác có nghĩa là phải qua đến hai quy trình hải quan khác nhau. Nếu như tất cả các hệ thống hải quan đồng nhất sẽ dễ nhưng nếu hai hệ thống hải quan khác nhau thì lại là câu chuyện khác. Vậy nếu có thể dùng số hóa để giải quyết vấn đề mà hai hệ thống hải quan trọng song song cùng một lúc đó quả là một ý tưởng tuyệt vời.
Bên cạnh đó, FIATA đặt ra những tiêu chuẩn cho việc số hóa, giúp số hóa cho toàn bộ hệ thống logistics. Như vậy, khi phải trao đổi dữ liệu với nhau, yêu cầu các công ty tiếp nhận hàng mình phải liên quan đến rất nhiều các ngành và nhiều các tầng lớp của các hệ thống chính trị ở khắp nơi, từ chủ tàu, chủ hàng, bên giao nhận hàng, cho hải quan, đưa cho cơ quan, địa phương chức năng địa phương… FIATA cũng cung cấp cho tất cả các các thành viên cơ hội sử dụng bộ chứng từ điện tử thông qua hệ thống này. Đồng thời, sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến.
Thậm chí, FIATA có bộ công cụ riêng cho các thành viên về chuyển đổi xanh. Với hệ thống này, bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ di chuyển từ địa điểm nào đến địa điểm nào các thành viên cũng có thể đưa ra một phép tính là dễ tính ra được lượng thải carbon bao nhiêu để đưa ra điều chỉnh phù hợp.
Thy Hằng