Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã cam kết giảm lượng khí thải carbon dioxide ròng bằng 0 vào năm 2060.
Động thái này là một sự thay đổi đáng kể trong định hướng của quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy nhiệt điện than cho phần lớn nhu cầu năng lượng.
Các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước đã bắt đầu tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Cụ thể, ba công ty, China Petroleum and Chemical Corp hay Sinopec, China National Offshore Oil Corp (CNOOC), và PetroChina đi đầu trong những nỗ lực đầu tư này.
Các công ty kể trên đã dành một khoản đầu tư chung trị giá 14,5 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo ở Trung Quốc để đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng của họ.
Chủ tịch Sinopec Ma Yongsheng giải thích: “Chúng tôi muốn trở thành công ty hàng đầu của Trung Quốc về hydro. Chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo hàng năm”. Sinopec muốn trở thành công ty hàng đầu của Trung Quốc trong thị trường hydro mới nổi và dự kiến mở rộng cơ sở hạ tầng hiện có để thiết lập thêm các trạm hydro cho xe chạy pin nhiên liệu.
Kế hoạch hydro quốc gia của Trung Quốc hướng tới mục tiêu có ít nhất 50.000 phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu vào năm 2025, tăng từ khoảng 12.000 vào cuối năm 2022, đòi hỏi một mạng lưới rộng khắp các trạm tiếp nhiên liệu hydro.
Được biết, Sinopec cũng đã khởi động một dự án hydro xanh ở Nội Mông để cung cấp nhiên liệu cho một nhà máy chế biến than. Điều này nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon dioxide của nhà máy có công suất khoảng 1,4 triệu tấn mỗi năm.
Trong khi đó, CNOOC, trước đây tập trung vào khoan ngoài khơi, cũng đang chuyển hướng sang các nền tảng năng lượng gió ngoài khơi, với việc đầu tư khoảng 15 – 30 tỷ USD vào các nguồn năng lượng mới.
Dự án đầu tiên của CNOOC liên quan đến việc xây dựng trang trại năng lượng gió trên biển Haiyou Guanlan, dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 6 tới.
Trang trại gió của CNOOC đặt cách bờ biển tỉnh Hải Nam hơn 100 km, được dự đoán sẽ tạo ra trung bình 22 triệu kilowatt giờ mỗi năm.
Giám đốc điều hành CNOOC Zhou Xinhuai cho biết công ty sẽ phân bổ 5-10% ngân sách hàng năm cho các nguồn năng lượng mới.
Về phần mình, PetroChina, nhà khai thác dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất Trung Quốc, đã thành lập một trung tâm nghiên cứu ở Thâm Quyến để tập trung vào các nguồn năng lượng mới, với mục tiêu đầu tư 10 tỷ USD hàng năm vào năm 2025.
Công ty năng lượng này đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác, bao gồm cả ở khu vực Tân Cương.
Động thái của Trung Quốc hướng tới lượng khí thải carbon bằng 0 không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho phát triển năng lượng tái tạo. Các ngành năng lượng gió và mặt trời của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 28% sản lượng điện của cả nước vào năm 2030 và 81% vào năm 2060, tăng từ 13% vào năm 2022.
Chính phủ cũng đã tăng cường các ưu đãi tài chính cho năng lượng tái tạo, với khoản đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời có thể vượt quá 600 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Mặc dù việc chuyển hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo là một khởi đầu mới, nhưng nó cũng có những thách thức.
Khi đất nước rời xa các nhà máy nhiệt điện than, các công ty năng lượng lớn thuộc sở hữu nhà nước đang chịu áp lực phải mô phỏng lại hoạt động kinh doanh của họ để duy trì tính cạnh tranh.
Quá trình chuyển đổi diễn ra khi Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng thiếu điện và lạm phát gia tăng, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các nguồn năng lượng mới.
Bình An