Như ở nhiều nước đang phát triển khác, việc xây dựng thị trường carbon ở Việt Nam không hề dễ dàng. Từ chiến lược, tới chính sách đi vào cuộc sống tồn tại khoảng cách dài. Đòi hỏi cấp bách lúc này, Việt Nam cần sớm thiết kế các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh một cách đồng bộ và thống nhất.
“Phát triển thị trường carbon không chỉ là xu hướng ngày càng phổ biến mà còn là nhu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia. Nếu không bắt kịp xu hướng này, rất khó để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cũng như sẽ gặp phải thách thức khi tiếp cận những thị trường khó tính đang ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn xanh”, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường carbon và hàm ý chính sách với Việt Nam.
Từ những khái niệm cốt lõi
Điều mấu chốt của việc định giá carbon, chính là việc tạo nên tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và mô hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đòi hỏi quá trình chuyển đổi công bằng và bao trùm. Vậy nên, quá trình này đặt ra hàng loạt vấn đề phải được giải quyết rốt ráo.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) với 537 doanh nghiệp (những đơn vị dự kiến tham gia vào giai đoạn thí điểm thực hiện ETS ở Việt Nam), chỉ một phần rất nhỏ khoảng 1,27% số doanh nghiệp hiểu cách ETS và thị trường carbon hoạt động. Trong khi đó, hơn 50% số doanh nghiệp chỉ nghe qua nhưng chưa rõ nguyên tắc vận hành.
Các doanh nghiệp cần nắm rõ khái niệm Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS – Emissions Trading System) và thị trường carbon. ETS là một trong những công cụ định giá carbon nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải. Trong ETS, các công ty được cấp hạn ngạch phát thải nhất định. Nếu vượt quá hạn ngạch, họ sẽ phải mua thêm từ các công ty khác. Ngược lại, nếu phát thải ít hơn, họ có thể bán hạn ngạch còn dư.
Định giá carbon là yếu tố cốt lõi trong chiến lược giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khi phần gánh nặng kinh tế sẽ được chuyển sang cho chính các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm. Công cụ này giúp thúc đẩy một loạt các phản ứng hành vi nhằm giảm sử dụng năng lượng và chuyển sang dùng nhiên liệu hay quy trình carbon thấp. Đồng thời, doanh thu cũng có thể được tái đầu tư vào các dự án quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Chặng đường chông gai
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang xây dựng cơ sử dữ liệu dựa trên kiểm kê khí nhà kính làm căn cứ xác định hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp. Đã có sự phân công giữa các Bộ liên quan ở cấp trung ương, các sở, ngành ở cấp địa phương trong việc kiểm tra, xác định việc cung cấp thông tin kiểm kê để thu thập số liệu một cách chính xác và đầy đủ nhất.
Nếu nhìn vào lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, chúng ta đang ở năm cuối của giai đoạn bốn năm chuẩn bị. Việc thực hiện thí điểm, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ bắt đầu từ năm 2025-2027. Từ năm 2028, nước ta sẽ vận hành đầy đủ thị trường carbon.
Để thực hiện hiệu quả và đúng lộ trình, cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính của ba cấp (doanh nghiệp, địa phương, bộ-ngành) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trên hết, cơ sở dữ liệu quốc gia phải bao gồm dữ liệu kiểm kê của các cấp, qua đó tạo nền tảng phân bổ hạn ngạch chính xác cho doanh nghiệp.
Theo bà Đặng Hồng Hạnh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường, khi thời gian thí điểm đã cận kề, chúng ta cần thực hiện song song nhiều nhiệm vụ. Bên cạnh việc chọn lựa quy mô thí điểm phù hợp, quá trình xúc tiến đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật và cách thức quản trị mới, nên cũng cần ban hành nhiều văn bản pháp quy, các hướng dẫn thực hiện trong năm 2024. Tất cả cần huy động tới sự tham gia tích cực của nhiều nguồn lực và trí tuệ trong cộng đồng.
“Việt Nam nên thí điểm ở quy mô khả thi. Như Thái Lan bắt đầu với bảy doanh nghiệp hay Indonesia với 32 doanh nghiệp. Trong đó, 75% là doanh nghiệp trong lĩnh vực điện năng”, bà Hạnh đề xuất.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế
“Việc thành lập thị trường tín chỉ carbon là một trong những vấn đề quan trọng của thời đại. Liên minh châu Âu (EU) luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam. Quá trình này được nhận thấy rõ ràng thông qua Chương trình đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng đang triển khai tại đây. Đó cũng là những tín hiệu cho thấy EU đang chú trọng triển khai các dự án bảo đảm cung cấp các nguồn năng lượng bền vững”, Đại sứ Julien Guerrier, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, khẳng định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, được tham gia vào thị trường carbon có thể mang lại doanh thu bổ sung, giúp thu hút nguồn vốn đầu tư xanh. Đồng thời, quá trình này góp phần nâng vị thế cạnh tranh từ hoạt động sáng tạo sản phẩm công nghệ tiên tiến, cũng như tăng khả năng thâm nhập những thị trường khó tính.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), bên cạnh những khó khăn thách thức, Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong học hỏi kinh nghiệm thành công từ các quốc gia đi trước. Trong đó, các cơ chế, chính sách là nền tảng, bệ đỡ để thị trường carbon nội địa phát triển.
Trong giai đoạn 2024-2025, các cơ chế, chính sách để hỗ trợ và phát triển thị trường carbon cần tập trung vào năm vấn đề: kiểm kê khí nhà kính và phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; quản lý, kiểm tra và giám sát; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của quy định pháp luật về kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Virender Duggal, Chuyên gia về thị trường carbon, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất: Việt Nam cần sớm ban hành công cụ chính sách và tích cực làm việc với các đối tác quốc tế để sẵn sàng xây dựng thị trường carbon. ADB cam kết đưa ra nhiều sự hỗ trợ, cung cấp vốn, giúp Việt Nam tham gia thị trường carbon quốc tế, qua đó thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.
Anh Thư