Trên thế giới, các xu hướng công nghệ trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế, thay đổi cách thức doanh nghiệp vận hành, mang đến những mô hình kinh doanh, tăng trưởng mới. Cùng với đó, áp lực phải nhanh chóng thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng bền vững để bảo vệ môi trường cũng ngày càng lớn, nhất là dưới những tác động khó lường của biến đổi khí hậu trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo Thúc đẩy chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh do GIZ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp thực hiện, chuyển đổi kép không chỉ đề cập đến hai xu hướng chuyển đổi diễn ra đồng thời (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) mà còn cho thấy việc hợp nhất hai xu hướng này có thể tăng tốc những sự chuyển đổi cần thiết, đưa xã hội đến gần hơn với mức độ chuyển đổi mong muốn. Tuy nhiên, để đồng thời thực hiện hai “nhiệm vụ” này không hề dễ dàng.
Chuyển đổi số sẽ diễn ra trong tất cả các quy trình ở mọi cấp độ trong xã hội, gồm cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các ứng dụng, hành vi cá nhân. Trong khi đó, chuyển đổi xanh nhằm mục đích giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo tồn và cải tạo môi trường tự nhiên, đảo ngược quá trình suy thoái của môi trường và đảm bảo phần lớn năng lượng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Singapore chuyển đổi “số và xanh” trong quản lý xây dựng
Tại Singapore, chính phủ nước này đã đưa ra Kế hoạch Singapore Xanh 2030 hướng tới hiện thực hóa cam kết đạt lượng phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào thập kỷ tới. Với thế mạnh về công nghệ số, nhiều sáng kiến xanh đã được chính phủ Singapore triển khai trong lĩnh vực quản lý môi trường xây dựng và công nghệ thông tin (CNTT), như ứng dụng công nghệ và dữ liệu để thúc đẩy mục tiêu bền vững vào phát triển, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu và hạ tầng CNTT.
Là trung tâm tài chính của khu vực với nhiều cao ốc chọc trời, việc quản lý tòa nhà đã đi đầu trong chiến lược xanh hóa nhờ CNTT tại Singapore. Không chỉ các công ty lớn mà cả các SMEs hoạt động trong lĩnh vực này cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hiện thực hóa các mục tiêu bền vững. Nhiều tòa nhà áp dụng hệ thống theo dõi, báo cáo lượng khí thải và sử dụng tài nguyên nhờ các giải pháp tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu.
Tại đó, các công nghệ cho phép thu thập dữ liệu theo thời gian thực và tự động hóa quy trình để tối ưu các nguồn tài nguyên, cải thiện tính minh bạch, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc tích hợp nhiều công nghệ số trong vận hành tòa nhà sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ quản lý cơ sở hạ tầng tòa nhà và chủ sở hữu/ đối tượng quản lý tòa nhà dễ dàng thu thập dữ liệu và theo dõi hiệu suất hoạt động với các thiết bị cảm biến IoT. Đồng thời, tự động hóa các quy trình tác nghiệp thủ công và việc ứng dụng AI và phân tích dữ liệu cũng giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các tiện ích khác.
Các dịch vụ phổ biến trong quản lý và vận hành tòa nhà được tích hợp các giải pháp công nghệ nêu trên bao gồm bảo trì cảnh quan (ví dụ: vệ sinh, cảnh quan, xử lý chất thải), quản lý tòa nhà tích hợp (ví dụ: hệ thống quản lý tòa nhà) và công trình cơ điện (ví dụ: dịch vụ hệ thống điện; dịch vụ hệ thống điều hòa không khí; vận hành hệ thống thang máy, cầu thang, ống nước, máy bơm và máy làm lạnh).
Lĩnh vực quản lý môi trường xây dựng được coi là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Singapore, chiếm gần 10% GDP quốc gia và 30% tổng số việc làm. Quản lý và vận hành tòa nhà là hoạt động tạo ra lượng lớn khí thải carbon, đóng góp hơn 20% tổng lượng khí thải carbon của đất nước, với phần lớn xuất phát từ các hoạt động vận hành của tòa nhà. Ngoài ra, việc xử lý và sản xuất nước sạch cũng tiêu thụ nhiều năng lượng, trong đó những tòa nhà thương mại (ví dụ: văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại) đóng góp tới 55% tổng cầu sử dụng nước.
Việt Nam và xu hướng chuyển đổi kép
Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu tại các nền kinh tế đang phát triển. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường được xem là ưu tiên hàng đầu, thể hiện qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030”.
Với tiềm năng về con người và năng lực công nghệ, các giải pháp số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng chuyển đổi kép chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).
Có thể nói chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, để khai thác tiềm năng phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam vẫn cần có thêm những biện pháp quyết liệt và nhanh chóng trong cuộc đua này.
Trường Đặng