Gia tăng đầu tư “xanh”
Với mục tiêu cung cấp 2 tỷ trứng gà sạch mỗi năm, gần 10 năm nay, Công ty cổ phần tập đoàn Tafa Việt đã tập trung nghiên cứu công nghệ xanh, tái tạo năng lượng, đầu tư hệ thống chuồng nuôi đến từ công nghệ châu Âu để tối ưu quy trình chăn nuôi. Ngoài ra, doanh nghiệp còn kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng thế giới đến từ Hà Lan để nghiên cứu công thức dinh dưỡng tốt nhất nhằm giảm phát thải nhà kính.
Bà Chu Thị Hồng Thuỷ, Giám đốc Tafa Việt cho biết, hoạt động đầu tư cho phát triển xanh luôn được doanh nghiệp cập nhật theo các yêu cầu mới nhất. Đó là lý do Tafa đang có kế hoạch đầu tư lại toàn bộ hệ thống chăn nuôi đến từ Đức để thúc đẩy chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon nhanh hơn.
“Đa phần việc phát thải đến từ thức ăn, để chuẩn hoá được công thức thức ăn, chúng tôi sử dụng nguồn thức ăn thuần chay cho con gà. Từ đó, năng lượng tiêu thụ trong con gà sẽ được điều chỉnh hợp lý để giảm phát thải ra môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đầu tư hệ thống xử lý phân bón hữu cơ đến từ Đức, đáp ứng được 70% độ hữu cơ với mọi loại cây đồng. Trong thời gian tới, công ty có những dự án bù đắp carbon như tham gia vào chiến dịch trồng rừng, trồng cây xanh theo vòng tuần hoàn khép kín…” bà Thuỷ cho hay.
Có thể thấy, từ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26, các doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai nhiều hành động, sáng kiến cụ thể.
Trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực rất có lợi thế khi tín chỉ carbon được đưa vào vận hành. Nguyên nhân là do, nguyên liệu đầu vào là những sản phẩm nông nghiệp, phần lớn xuất phát từ cây trồng, nên lượng hấp thụ khí carbon sẽ tốt hơn. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều có sự quan tâm, đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh để giảm phát thải carbon.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần G.C Food thông tin, với mục tiêu Net Zero, doanh nghiệp đã đưa ra chương trình giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng, nguồn nước và chi phí phát sinh khí thải trong sản xuất.
“Ngoài ra, chúng tôi đang lựa chọn đơn vị tư vấn về lộ trình thực hiện ESG. Khi đi vào định hướng, đơn vị tư vấn này phải đồng hành với G.C Food, đưa ra lời khuyên về sử dụng phương thức, kỹ thuật nào để giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào. Đồng thời thông tin những công nghệ chế biến hiện đại để tăng hiệu suất thu hồi, phương pháp chế biến để giảm nguồn nước sử dụng hay nguồn nước sử dụng có thể tái chế, tái sử dụng ở những công đoạn nào, giảm số lượng cần sử dụng… Đây là bài toán rất lớn, nên chúng tôi đang tìm nhà tư vấn chuyên nghiệp”, ông Thứ chia sẻ.
Theo lộ trình của Chính phủ, năm 2025 sẽ thực hiện thí điểm thị trường carbon trong nước và vận hành từ năm 2028. Do đó, nếu bắt tay thực hiện từ sớm, cơ hội mở ra cho doanh nghiệp Việt là rất lớn khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, hướng đến mục tiêu phát thải ròng về 0 trong năm 2050.
Sớm giải quyết thách thức
Theo các doanh nghiệp, thách thức khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là kinh phí đầu tư lớn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng trong quá trình kiểm kê khí thải và những quy định thực hiện chưa rõ ràng.
Cụ thể, bà Chu Thị Hồng Thuỷ cho biết, sắp tới doanh nghiệp sẽ kết hợp với Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác đến từ châu Âu để có những hướng dẫn sâu hơn khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có những hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể… dẫn đến tốc độ tham gia vào thị trường vẫn còn khá chậm.
Đồng tình với ý kiến, ông Thứ cho rằng, tiêu chí về sản xuất xanh lại chưa rõ ràng, nên G.C Food nói riêng và các doanh nghiệp nói chung hiện không nắm rõ những yêu cầu cụ thể để được đánh giá là một doanh nghiệp chuyển đổi xanh và được cấp giấy chứng nhận…
Trong khi đó, hiện doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí rất lớn cho chuyển đổi xanh, giảm phát thải, bao gồm việc thu mua nông sản giá cao hơn đối với nông hộ phát triển hữu cơ, nâng cấp công nghệ để giảm sử dụng nhiệt năng, sử dụng chất đốt biomax… Một phần chi phí này phải đưa vào giá thành sản xuất, sẽ tác động đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thành hệ thống công cụ và quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Đối với những nhà máy có đầu tư để đồng xử lý các chất thải hoặc sử dụng nhiên liệu thay thế, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ.
Ông Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam có khung pháp luật chủ thể tham gia là ai, đối tượng giao dịch trên thị trường là gì. Tuy nhiên, cần xác định mức hạn ngạch áp dụng lên doanh nghiệp là bao nhiêu, sao cho hợp lý… để điều chỉnh thị trường theo đúng mục tiêu mong muốn. Đồng thời cần có cơ chế giảm sát, thực thi, đảm bảo minh mạch, tránh thao túng giá trên thị trường để đạt được như mục tiêu ban đầu là giảm phát thải.
“Về phía doanh nghiệp, cần làm rõ mục tiêu chính yếu của thị trường carbon, đây là một công cụ thị trường giúp chúng ta đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải. Việc trao đổi hạn ngạch hoặc tạo ra tín chỉ carbon không phải là một ngành kinh tế hoặc một hoạt động kinh doanh”, ông Phúc nhận định.
Hoài Sương