Hơn 51 triệu đô la Mỹ mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã chuyển cho Việt Nam thuộc Thoả thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ, số tiền này sau đó đã được chuyển cho các địa phương, đến người dân giữ rừng, ban quản lý rừng… đã làm nóng lên thông tin mua bán tín chỉ carbon rừng hơn một năm qua.
Nhưng, dường như rất nhiều tờ báo, mạng xã hội và cả chính quyền, ngành nông nghiệp nhiều địa phương cũng như các chủ rừng đang chạy theo “hot trend” bán tín chỉ carbon, rồi cứ lấy diện tích rừng 14-15 triệu héc ta mà phóng lên con số hàng chục triệu tín chỉ carbon, có thể bán và thu về hàng trăm triệu đô la mỗi năm.
Đó chính là lý do mà Cục Lâm nghiệp hôm 26/7 đã có công văn gửi các địa phương trước tình trạng những nơi có rừng đang manh nha đòi “bán tín chỉ carbon”. Công văn này khẳng định “Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng là vấn đề mới, hiện mới được thí điểm tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để triển khai, đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện”.
Hay nói khác hơn, số tiền hơn 51 triệu đô la mà báo chí đăng là bán 5 đô la/tín chỉ carbon bản chất là WB chi trả theo thỏa thuận đàm phán gữa tổ chức này và Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn cho nỗ lực quản lý bảo vệ rừng, giảm phát thải rừng ở Bắc Trung bộ chứ không phải mua bán tín chỉ carbon trên thị trường.
Thoạt nhìn thì các chủ rừng sẽ nghĩ “tôi có rừng, có hấp thu, giảm phát thải carbon và có thể tính toán được lượng giảm phát thải ra tín chỉ carbon, sao lại không cho tôi bán?”.
Khoản 1, Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Carbon rừng là một trong những tài sản rừng khi carbon rừng được tính toán, xác nhận là tín chỉ carbon, mỗi tín chỉ carbon rừng chính là giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Với cách hiểu này thì tín chỉ carbon được xem là một trong những tài sản rừng như gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Khi đã là tài sản rừng, tín chỉ carbon trở thành hàng hóa được mua bán, chuyển nhượng trên thị trường. Nhưng, để xem carbon rừng là lâm sản thì tại khoản 16, Điều 2, Luật Lâm nghiệp năm 2017 phải được bổ sung thêm “carbon được hấp thụ và lưu giữ trong rừng là một loại lâm sản”, bởi hiện tại khoản 16 chỉ nói “Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến”.
Vậy để có tính pháp lý thì việc đầu tiên là phải sửa Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn về lâm sản dưới luật.
Khi đã công nhận carbon rừng – thứ vô hình không ai nhìn thấy – là lâm sản thì tiếp theo phải xác định lâm sản ấy thuộc về ai? Lúc này cần bổ sung một số quy định về quyền sở hữu carbon rừng, quyền sử dụng carbon rừng nằm trong quyền sở hữu rừng và quyền sử dụng rừng hiện được quy định tại khoản 10, khoản 11, Điều 2, Điều 7 về sở hữu rừng và các điều liên quan khác của Luật Lâm nghiệp 2017 cùng nhiều văn bản dưới luật.
Lúc này, tín chỉ carbon của những khu rừng thuộc sở hữu của Nhà nước, được giao cho các tổ chức của Nhà nước thì thuộc quyền sở hữu của Nhà nước là dễ hiểu, nhưng với rừng được giao cho các tổ chức ngoài nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì không hề đơn giản. Thực tế trong năm nay, khi chi trả tiền hơn 51 triệu đô la về các địa phương, không ít địa phương lúng túng không biết phân bổ như thế nào.
Hiện không ít địa phương, rừng của Nhà nước nhưng đã giao khoán cho nhân viên các lâm trường, nhân viên ban quản lý rừng, cho cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số và những người này được nhận tiền bảo vệ rừng từ các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến rừng, vậy họ có được nhận tiếp từ cái gọi là tiền bán tín chỉ carbon hay không?
Như vậy có thể xem rừng loại này có hai nhóm chủ sở hữu tín chỉ carbon rừng – chủ rừng và cá nhân hay cộng đồng nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi. Vậy lại phải có thêm văn bản pháp lý phân chia lâm sản là carbon rừng cho hai nhóm chủ sở hữu.
Tín chỉ carbon của chủ rừng tự đầu tư trồng rừng thì chắc chắn thuộc về sở hữu của chủ rừng, đó là các doanh nghiệp, trang trại tư nhân nhưng diện tích sẽ nhỏ, manh mún, hàng chục hay hàng trăm héc ta, lại phải có quy định về cơ chế ủy quyền trong bán tín chỉ carbon rừng.
Chưa kể, nhiều người dân khi đi ngang qua khu rừng thường nhìn thấy bảng chỉ dẫn “Khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng”, tức Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng chục ngàn tỉ đồng cho hàng triệu héc ta rừng. Gay go là chủ rừng hay cộng đồng dân cư đã nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thì tín chỉ carbon – nếu có – của khu rừng đó thuộc về ai? Lại phải sửa các văn bản pháp lý về rừng, môi trường rừng…
Rõ ràng tín chỉ carbon rừng hiện nay còn quá nhiều khoảng trống pháp lý mà sẽ phải mất một thời gian dài nữa mới hoàn thiện, mới thực sự là sản phẩm hàng hóa, có thể mua bán, chuyển nhượng, thu hút đầu tư… Nên, đừng thấy rừng xanh mà “mơ” bán tín chỉ carbon!
Hồng Văn