Bằng nhiều hình thức khác nhau, các doanh nghiệp (DN) đang tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện cam kết, đồng thời coi phát triển bền vững là lợi thế mới trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường.
Quy trình sản xuất không rác thải
Chia sẻ tại hội nghị Phát triển bền vững 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) cho biết, là công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, TTC AgriS có liên quan mật thiết với môi trường. Do đó, công ty lấy chiến lược kinh doanh “xanh” làm nền tảng phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh và cung cấp cho thị trường các giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc bền vững.
Theo đó, TTC AgriS đã tối ưu chuỗi giá trị cây nông nghiệp như mía, dừa, chuối,… ngay từ các công đoạn đầu tiên góp phần giúp cân bằng hoạt động phát thải và hấp thu các loại khí nhà kính như CO2. Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, hiện có tới hơn 200 sản phẩm từ cây dừa, cây mía cũng có hơn 130 sản phẩm. Do đó, công ty luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến để đa dạng hóa chuỗi giá trị sản phẩm từ cây nông nghiệp. Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng nhiên liệu sinh khối biomass, nhiêu liệu sinh học biofuels trong quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ cacbonat hóa nhằm tận dụng lượng khí CO2 sinh ra trong lò hơi tái sử dụng vào tinh chế sản xuất…
Bà My cho biết thêm, mục tiêu của TTC AgriS trong giai đoạn 2025 – 2030 là sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất nước mía với công suất 72 triệu lít/năm với công nghệ zero discharge (không xả thải), sử dụng 100% sinh khối làm chất đốt tại tất cả nhà máy và phát triển thành công bao bì giấy từ bã mía bằng công nghệ sinh học vào năm 2025, tiến tới mục tiêu đạt Net Zero carbon vào năm 2035.
Tại Công ty Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc cho biết, với việc đang thu mua 25% sản lượng cà phê Việt Nam, Nestlé Việt Nam đã đưa khái niệm tuần hoàn vào chuỗi giá trị cà phê bền vững thông qua thúc đẩy canh tác và cung ứng có trách nhiệm. Điều này đã mang lại một số thành quả như trẻ hóa 63.000 ha cà phê già cỗi và tổ chức 330.000 buổi đào tạo về canh tác cà phê bền vững. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân tăng 30-100% nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý.
Nestlé Việt Nam cũng đầu tư nghiên cứu cho ra giống cà phê khi trồng trọt có thể tiết kiệm được 40-60% nước tưới, 20% lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu và tỷ lệ hấp thụ cacbon của cây cao hơn nhưng cho lượng khí thải thấp hơn. Ông Binu Jacob cho biết, từ năm 2015, Nestlé Việt Nam đã cam kết sản xuất có trách nhiệm với chương trình “Không rác thải chôn lấp”. Theo đó, 65% nước thải được tái chế và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước uống, khối lượng nước tái chế đạt 112.000 m3/năm. Hiện 100% bã cà phê sau sản xuất của Nestlé Việt Nam được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải sau không nguy hại từ hoạt đông sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón; cát thải từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng. Nestlé Việt Nam cũng cải tiến công nghệ sản xuất bằng cách chuyển từ đóng gói đa lớp sang đơn lớp. Đồng thời cũng chuyển đổi 40% nguồn điện sản xuất sang năng lượng tái tạo, giảm 30% lượng nước sử dụng cho sản xuất và giảm phát thải hơn 12.600 tấn CO2/năm.
Cắt giảm và tái chế
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hơn một nửa thải ra biển. Hiện đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt, chỉ 10% được tái chế. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó tái chế và cắt giảm là phương pháp bền vững hướng đến mục tiêu để lại hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, cho biết, Thiên Long đã xây dựng được đội ngũ thiết kế ngay trong nội bộ công ty. Theo đó, việc sản xuất sản phẩm luôn được nghiên cứu để sử dụng ít vật liệu hơn bằng cách tạo ra sản phẩm mỏng hơn, giảm chi tiết thừa và sử dụng các nguyên vật liệu sinh học. Công ty cũng có giải pháp kéo dài vòng đời sản phẩm, như bút lông viết bảng sau khi hết mực sẽ có ống mực để khách hàng dễ dàng bơm thêm. Các sản phẩm bột nặn của Thiên Long cũng có nguyên liệu chính là bột mì đạt các tiêu chuẩn an toàn trong nước cũng như của châu Âu, Mỹ… Ngoài ra, Thiên Long đang nghiên cứu sản phẩm nhựa gỗ được làm từ trấu để giảm thiểu lượng nhựa sử dụng.
Theo bà Nga, trong mục tiêu hướng đến việc giảm rác thải nhựa trong 5 năm tiếp theo, Thiên Long sẽ mở rộng các dòng sản phẩm thân thiện môi trường như sản xuất bút từ chai nhựa. Quá trình sản xuất, kinh doanh cũng liên tục được đánh giá lại để tìm ra những gì có thể tối ưu. Bên cạnh đó, công ty cũng truyền tải những thông tin về phát triển bền vững đến học sinh thông qua chương trình “Vì mái trường xanh” để lan tỏa ý thức tiêu dùng có trách nhiệm.
Tương tự, Nestlé Việt Nam cũng nghiên cứu cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường. Nhờ đó, trong 2 năm 2021-2022, DN này đã giảm được gần 2.500 tấn bao bì nhựa. Hiện khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.
Trong khi đó, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân với nhà máy công suất 30.000 tấn/năm đã thực hiện thu gom chai nhựa trong nước và đưa vào tái chế, sản xuất thành hạt nhựa. Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, hiện các sản phẩm của công ty đã đạt 15 tiêu chuẩn trên thế giới, kể cả tiêu chuẩn của cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Trong năm 2022, DN này đã xuất khẩu được 4.200 tấn hạt nhựa tái chế, tương đương 300 triệu chai nhựa tái chế đến 12 nước, trong đó có châu Âu, Hoa kỳ.
Ông Lê Anh cho biết, hiện có những sản phẩm có thể tái chế tới 20 lần. Điều này đóng góp rất tích cực trong việc giảm rác thải nhựa ra môi trường, tạo vòng đời mới cho sản phẩm và mang lại lợi ích rất lớn cho môi trường.
Nguyễn Hiền