
Khoảng trống tiêu chuẩn kỹ thuật
Luật Điện lực sửa đổi năm 2024 đã đưa ra định nghĩa chính thức đầu tiên cho hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) là “tập hợp các thiết bị để nhận điện từ các nguồn điện, tích trữ năng lượng và phát điện”. Đồng thời, pháp luật cũng khuyến khích đầu tư điện gió, điện mặt trời kết hợp ESS; có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ điện; khuyến khích tổ chức, cá nhân lắp đặt ESS cho nguồn tự sản xuất, tự tiêu thụ;…
Tại Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về tiêu chuẩn, quy chuẩn và quản lý hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS)”, ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) nhấn mạnh rằng hệ thống lưu trữ năng lượng không chỉ là một giải pháp công nghệ mà còn là cấu phần thiết yếu để bảo đảm ổn định lưới điện, tối ưu nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng dự phòng trước biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cùng cơ chế quản lý phù hợp sẽ giúp giảm rủi ro kỹ thuật, tài chính, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy đầu tư trong nước và quốc tế cho các dự án chuyển đổi năng lượng nói chung và các dự án thuộc Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nói riêng.
Kinh nghiệm thực tế từ EVNHANOI cho thấy BESS sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng cao, nhất là những thời điểm nắng nóng đỉnh điểm hoặc các giai đoạn phụ tải tăng đột biến. Việc ứng dụng BESS giúp tối ưu công suất truyền tải, tránh tình trạng quá tải và hạn chế việc cắt giảm điện, đồng thời nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.
Theo đó, EVNHANOI đang nghiên cứu các công nghệ pin lưu trữ, trong đó ưu tiên lựa chọn công nghệ Lithium-ion nhờ tính ổn định, hiệu suất cao, chi phí cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều rào cản liên quan đến hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và các vấn đề an toàn, bảo trì, tái chế pin.
Cấp thiết hoàn thiện hành lang pháp lý
Viện Năng lượng, Bộ Công Thương chỉ ra, pháp luật Việt Nam hiện tại mới chỉ có các hướng dẫn ở mức rất sơ bộ. Đơn cử, Thông tư 05/2023/TT-BCT quy định hệ thống truyền tải điện, phân phối điện và đo đếm điện năng đã bổ sung mục riêng quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống pin lưu trữ. Thông tư 06/2023/TT-BCT quy định điều độ, vận hành, thao tác xử lý sự cố, khởi động đen và khôi phục HTĐ Quốc gia đã bổ sung hệ thống pin tích trữ vào khái niệm AGC…
Do vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn đồng bộ, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ, thiết kế dự án, xin giấy phép đầu tư và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi quốc tế. Theo khuyến nghị của cơ quan này, chính sách phát triển BESS cần sớm hoàn thiện các quy định về quy trình, pháp lý; cơ chế giá/hợp đồng; tiêu chuẩn kỹ thuật và xây dựng; phát triển dự án.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh BESS không chỉ là yếu tố kỹ thuật mà còn là “chìa khóa” quan trọng để hiện thực hóa chuyển đổi năng lượng công bằng. Ông cho rằng, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này, song để biến tiềm năng thành hiện thực, Việt Nam cần gấp rút hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và hành lang pháp lý rõ ràng.
Với các cam kết mạnh mẽ trong JETP, nhu cầu lưu trữ năng lượng chắc chắn sẽ bùng nổ trong những năm tới. Nhưng nếu không sớm xây dựng các quy định pháp luật cụ thể, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn, Việt Nam sẽ khó tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường BESS, từ đó có nguy cơ chậm bước trong tiến trình chuyển đổi năng lượng bền vững. Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết cần được ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Đỗ Trang