Indonesia là nước xuất khẩu than hàng đầu trên thế giới trong khi 60% điện năng quốc gia này được sản xuất thông qua đốt nhiên liệu hóa thạch – nguồn phát thải CO2 lớn nhất làm nóng hành tinh. Tuy nhiên đứng trước cuộc khủng hoảng khí hậu, Indonesia đã đưa ra lời cam kết trước quốc tế về việc cắt giảm phát thải carbon và hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2060.
Mục tiêu năm 2060 là một phần trong mục tiêu khí hậu chính thức của Indonesia được đệ trình lên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Năm 2022, nước này đã đạt được 2 thỏa thuận giúp đẩy nhanh việc đóng cửa sớm các nhà máy nhiệt điện than.
Ở thời điểm hiện tại, Indonesia vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng, nhưng đang có những bước tiến tích cực nhằm đầu tư vào năng lượng tái tạo và phát triển ngành chế biến khoáng sản quan trọng để đẩy nhanh sản xuất xe điện.
Theo Straits Times trích dẫn ông Luhut, Indonesia có tiềm năng tạo ra khoảng 342 gigawatt năng lượng xanh như địa nhiệt, gió và thủy điện. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng đã có kế hoạch đầu tư vào năng lượng mặt trời trên đảo Rempang ở Riau trong khi phát triển kế hoạch cho các ngành phụ trợ như tấm pin mặt trời hay sản xuất chất bán dẫn của riêng mình.
Việc chính phủ Indonesia hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, ngân hàng và tổ chức tài trợ để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh chính là điều giúp ông Luhut tin tưởng rằng quốc gia của ông có thể đạt được mục tiêu net zero trước năm 2060.
Do đó, phát biểu bên lề hội nghị Ecosperity Week tại Singapore ngày 6/6, ông Luhut tuyên bố: “Tôi tin rằng với công nghệ, với sự cộng tác, với tinh thần của chính phủ Indonesia và người dân Indonesia, chúng ta có thể làm được điều đó trước năm 2060. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể thành công vào năm 2055 hoặc sớm hơn”.
Tuy nhiên, ông cho biết Indonesia sẽ cần tài trợ để đầu tư vào các lĩnh vực này. Trước mắt, trong thỏa thuận lớn nhất với các quốc gia giàu có bao gồm Mỹ và Nhật Bản, Indonesia nhận được cam kết hỗ trợ tài chính công và tư nhân trị giá 20 tỷ USD. Được gọi là Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, thỏa thuận này sẽ giúp Indonesia tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và giúp người lao động trong lĩnh vực than gây ô nhiễm chuyển đổi sang các công việc trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Khoản tài trợ công ban đầu trị giá 10 tỷ USD sẽ được cung cấp trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm và phụ thuộc vào việc Indonesia đạt đỉnh và hạn chế lượng khí thải của ngành điện ở mức 290 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi đó, chương trình tài trợ thứ 2 nằm trong Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng (ETM) của ADB sẽ nhằm mục đích đàm phán các điều khoản cho việc dừng hoạt động nhà máy điện tại Indonesia.
Từ cuối năm 2022, một biên bản ghi nhớ về thỏa thuận ETM đầu tiên đã được ký kết tại Bali bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20.
Ngân Hà