Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Câu hỏi được đặt ra là quá trình sản xuất lúa phát sinh khí nhà kính ra sao và biện pháp nào để giảm phát thải?
Để hiểu rõ hơn vấn đề nêu trên, KTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Lạm dụng” phân bón, đốt đồng, vùi rơm rạ làm tăng phát sinh khí nhà kính
Ông đánh giá như thế nào về việc sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính?
– Sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính là điều mong muốn để đạt các tín chỉ carbon thấp nhằm trao đổi hoặc bán. Đây là lĩnh vực rất mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới trong lĩnh vực trồng trọt nói chung và cây lúa nói riêng.
Để thực hiện đề án nêu trên, chúng tôi cũng có cơ sở để triển khai vì đã thực hiện xong chương trình VNSAT (chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam được thực hiện trên cây lúa ở 8 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang – PV) với nhiều hợp phần khác nhau. Trong đó, có hợp phần kỹ thuật và trong hợp phần này có rất nhiều công đoạn, giải pháp cũng như các tiến bộ kỹ thuật có thể áp dụng để làm giảm phát thải khí nhà kính.
Dựa trên các cơ sở tính toán, việc sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính chúng ta có thể làm được. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng khi thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, thì những giải pháp kỹ thuật được đưa vào bên cạnh góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, thì đồng thời có thể thực hiện một cách tốt hơn để đạt được các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính. Tất nhiên, không phải diện tích nào trong tham gia 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao cũng đều có thể thực hiện được.
Cụ thể quá trình canh tác lúa, những công đoạn hay phần việc nào sẽ phát sinh khí nhà kính, thưa ông?
– Hiện nay, trong sản xuất lúa có 3 yếu tố chính làm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc bón quá nhiều phân đạm, đốt rơm rạ hoặc vùi rơm rạ vào trong đất. Như vậy, muốn làm giảm phát thải khí nhà kính, phải hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của 3 yếu tố này.
Tuy nhiên, có một điều may mắn, đó là 3 yếu tố làm phát thải khí nhà kính hiện nay cũng là 3 yếu tố mà trong các giải pháp kỹ thuật được áp dụng để làm giảm luôn cả chi phí sản xuất. Khi chi phí sản xuất giảm tức sâu bệnh cũng được kéo giảm.
“3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm” kéo giảm phát thải
Như vậy, với đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trường xanh, những giải pháp kỹ thuật cụ thể sẽ được áp dụng để đạt mục tiêu đề ra?
– Thứ nhất, với giải pháp kỹ thuật nền, chúng ta có hai giải pháp kỹ thuật đã thực hiện ở ĐBSCL trong nhiều năm qua, bao gồm 3 giảm 3 tăng, tức giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả; 1 phải 5 giảm, tức phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng được ngành nông nghiệp khuyến cáo và giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Ban đầu, đó là những tiến bộ kỹ thuật mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng. Thế nhưng, bây giờ khi chúng ta giảm lượng phân đạm, có nghĩa chúng ta giảm tác động tạo ra khí nhà kính. Đặc biệt, việc giảm lượng phân bón kết hợp với áp dụng thêm các kỹ thuật bón phân vùi vào trong đất, bên cạnh tăng hiệu quả hấp thu của cây trồng còn làm giảm bốc hơi phân bón một cách hiệu quả hơn hay nói cách khác hạn chế phát thải khí nhà kính hiệu quả hơn.
Thứ hai, khi chúng ta muốn giảm lượng khí CO2, phải hạn chế việc đốt đồng. Thực tế, trong những năm gần đây, người nông dân đã khai thác (bán) được rơm để tăng thêm thu nhập, cho nên việc đốt đồng cũng đã giảm xuống, nhưng cần tăng cường thêm giải pháp này.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là khí metan phát sinh từ việc vùi rơm rạ vào trong đất, và để giải quyết việc này, cần phải có giải pháp di chuyển rơm rạ ra khỏi đồng ruộng. Muốn vậy, phải có thêm cơ giới hoá và cần phải có những tính toán hiệu quả hoặc vùi trở lại trong đất thì phải có những giải pháp xử lý để hạn chế được phát thải.
Đồng thời, trong suốt quá trình canh tác của cây lúa, chúng ta có một kỹ thuật gọi là kỹ thuật “tưới ngập khô xen kẽ”. Thực hiện tiết kiệm nước sẽ giúp tăng sức chống chịu của cây lúa trước các loại dịch hại, nhưng để làm giảm phát thải khí nhà kính, phải có những giải pháp hết sức chi tiết và cần thiết kế lại đồng ruộng cũng như tập huấn nông dân và cần phải đo đếm thật chính xác mới tính được hiệu quả của “tưới ngập khô xen kẽ”.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam cùng với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cũng đang xác định lại tưới như thế nào, ngưng như thế nào để làm phát thải khí nhà kính ở mức hạn chế nhất.
Như ông đã trao đổi, đó là mình đã có kinh nghiệm triển khai ở chương trình VNSAT. Vậy, bước đầu đem lại kết quả giảm phát thải như thế nào, thưa ông?
– Hiện nay, chương trình VNSAT có đo đếm việc phát thải khí nhà kính, nhưng chưa được chứng nhận để có thể bán được tín chỉ carbon. Tuy nhiên, sự đo đếm đó của các cơ quan kỹ thuật trong nước cũng như quốc tế cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được việc giảm phát thải này.
Cơ sở sản xuất giảm phát thải là trong 8 địa phương thực hiện VNSAT, chúng ta có xấp xỉ khoảng trên 100.000 héc ta thực hiện đầy đủ 1 phải 5 giảm và nếu cộng thêm cả 3 giảm 3 tăng thì có khoảng 184.000 héc ta. Đây là cơ sở nếu chúng ta giữ diện tích này và tiếp tục phát triển những kỹ thuật canh tác đó cộng với thay đổi cho phù hợp với việc canh tác bền vững, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả cho người dân và giảm phát thải khí nhà kính thì đến năm 2024-2025 thực hiên được 200.000 héc ta.
Vậy ông kỳ vọng kết quả sẽ đạt được như thế nào?
– Thật ra đề án 1 triệu héc ta chúng tôi tập trung nhiều vào sự bền vững và hiệu quả kinh tế cũng như an ninh thu nhập cho người nông dân và an ninh lương thực cho người dân. Việc giảm phát thải khí nhà kính cũng là mục tiêu trước mắt để chúng tôi thúc đẩy cho các hoạt động sản xuất lúa phát triển.
Tuy nhiên, nói đến những khó khăn thì lúc nào cũng có và cần có sự đồng thuận của tất cả các bên cùng tham gia mà chúng tôi gọi là một chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo. Bởi, phát thải khí nhà kính không chỉ có ở khâu sản xuất lúa của người nông dân, mà tất cả các vận hành của chuỗi này đều chịu tác động và cần phải hướng đến mục tiêu giảm phát thải.
Chúng ta cần tính toán kỹ hơn về những kỹ thuật canh tác để làm giảm phát thải khí nhà kính, nhưng đồng thời cũng phải cân bằng các yếu tố cơ giới hoá, vận hành nguyên liệu hoá thạch trong hoạt động xay xát, vận chuyển… Tất cả những yếu tố này phải được tính toán để chúng ta không chỉ giảm phát thải trên một đơn vị diện tích, mà sẽ là trên một đơn vị kí lô gam.
Như vậy, giá trị hạt gạo của mình sẽ được nâng lên gấp nhiều lần và quan trọng hơn nữa là chúng ta sẽ có định hướng rõ rệt về phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo ở khu vực trọng điểm ĐBSCL và định hướng cho cả nước.
Trung Chánh (thực hiện)