Thị trường liên quan đến kinh tế xanh còn hạn chế
Chia sẻ nhận định về phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) cho biết, Việt Nam cũng đã có sự chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang xanh với phần lớn các thị trường liên quan đang manh nha hình thành phát triển, hành vi sản xuất và tiêu dùng xanh đã có sự thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Nhìn chung, lượng phát thải CO2 vẫn có xu hướng tăng, trong giai đoạn 2011 – 2021, lượng phát thải CO2 năm 2021 tăng gấp đôi năm 2011, đưa Việt Nam vào nhóm những nước phát thải cao trên thế giới năm 2021…
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hóa, ngoài việc nâng cao hiệu quả và vai trò của Chính phủ, thì việc thúc đẩy sự phát triển hữu hiệu của các thị trường liên quan như tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon, thị trường năng lượng mặt trời và một số dạng năng lượng khác rất quan trọng. Nhưng các thị trường như thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam mới đang manh nha hình thành, thị trường tấm pin năng lượng mặt trời còn kém phát triển với hơn 90% pin lắp ráp các công trình tại Việt Nam là nhập khẩu, quá trình đô thị xanh còn chậm chạp, mới chỉ đáp ứng được không gian xanh. Nhận thức của người dân về kinh tế xanh còn khá mới mẻ…
Bên cạnh đó, các nguồn tài chính xanh còn hạn chế cả về nguồn huy động, tính đa dạng và dung lượng, trong đó thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh mới đang ở giai đoạn đầu phát triển. Các hoạt động của các thị trường này chủ yếu mới dừng lại ở mức khởi động các danh mục dự án xanh, chưa được phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường, chưa có hệ thống tiêu chuẩn sàng lọc theo ngưỡng thông lệ quốc tế… Điều này làm hạn chế sự huy động tài chính nhằm phát triển kinh tế xanh. Gần đây, nguồn vốn cho phát triển kinh tế xanh gặp nhiều khó khăn do Covid-19, tình hình cẳng thẳng địa chính trị trên thế giới, tình hình suy giảm kinh tế trên thế giới. Tất cả những điều này tác động bất lợi cho quá trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Việt Nam thu 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Cơ hội huy động nguồn lực quốc tế rộng mở
Theo GS. TSKH Trương Quang Học – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhưng là nước đi “tiên phong” và rất tích cực nhằm phát triển kinh tế xanh. Điều này thể hiện qua một loạt các cam kết mang tầm quốc tế của Việt Nam tại COP26, COP28 nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.
Để thực hiện các mục tiêu này, ngay sau cam kết về Net Zero năm 2021, Chính phủ đã rất nhanh chóng ban hành các văn bản, khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cũng như huy động nguồn lực cho quá trình này. Đồng thời, Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) gồm EU, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã ký kết thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) vào tháng 12/2022 nhằm huy động sự hỗ trợ của quốc tế hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Tại COP28 diễn ra tại Dubai tháng 12/2023, Nhóm đối tác quốc tế IPG đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư. Có thể thấy, sự cam kết của cộng đồng quốc tế cho quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam là rất mạnh mẽ và rộng mở.
Theo các chuyên gia, ngoài tiếp cận nguồn vốn quốc tế, hiện nay thế giới đã có những sáng kiến về tài chính như tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Việt Nam nên xem xét áp dụng những sáng kiến trên để có thể huy động từ chính người dân trong nước tham gia vào những dự án, cũng như những sáng kiến phục vụ cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới.
Ngoài ra, một nguồn vốn cũng hết sức quan trọng đó là từ các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp đa quốc gia. Các quỹ này cũng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam với chi phí thấp nhất có thể cũng như vừa đầu tư cho công nghệ xanh, phát triển sản phẩm xanh, ví dụ như vấn đề phát triển điện gió, điện mặt trời hay đảm bảo cung cấp các chuỗi giá trị xanh ở Việt Nam.
ÔNG ĐÀO XUÂN LAI – TRƯỞNG PHÒNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LIÊN HỢP QUỐC (UNDP)TẠI VIỆT NAM:
Cơ hội tạo ra những thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam
Kinh tế xanh là một xu hướng quốc tế tất yếu và rõ ràng nó tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam để có thể thúc đẩy tăng trưởng, giúp quốc gia vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp. Vì là xu hướng toàn cầu, nên thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội tạo ra những thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam.
Đồng thời, do có cơ hội về những thị trường mới, nên Việt Nam có thể có quyền chủ động các vấn đề công nghệ mới để đón các xu hướng. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp Việt Nam có thể huy động những nguồn lực mới đầu tư của tư nhân, hay đầu tư quốc tế vì Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư rất quan trọng và hấp dẫn. Đây cũng là những cơ hội mà Việt Nam có thể nắm bắt, huy động nguồn lực quốc tế cho phát triển kinh tế xanh.
TS. LÊ XUÂN NGHĨA – ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH:
Tiềm năng tín chỉ carbon tại Việt Nam lớn
Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đã rất phát triển. Có thể kể đến một số thị trường tín chỉ carbon lớn như thị trường EU vận hành từ năm 2005, chiếm 45% phát thải châu Âu; thị trường Trung Quốc vận hành từ tháng 7/2021, chiếm 1/3 phát thải của Trung Quốc; thị trường Nhật Bản vận hành từ tháng 7/2022. Giá trị giao dịch toàn cầu mà các thị trường tín chỉ carbon đem lại tăng dần qua từng năm, với tốc độ tăng hàng năm 13,5%. Năm 2020 đạt 288 tỷ EUR, năm 2021: 760 tỷ EUR, năm 2022: 865 tỷ EUR.
Với Việt Nam, tiềm năng tín chỉ carbon ở Việt Nam là khá lớn. Việt Nam hiện có 14,7 triệu ha rừng độ che phủ 42%, khả năng hấp thụ tối thiểu 60 triệu tấn CO2 mỗi năm. Số CO2 vượt trên mức cơ sở sẽ được quy đổi thành tín chỉ và có thể giao dịch. Vì vậy, việc sớm hình thành sàn giao dịch tín chỉ carbon có ý nghĩa rất quan trọng cho thị trường carbon tại Việt Nam phát triển.
Thảo Miên