Dự án trang trại năng lượng mặt trời và pin trữ điện San Juan ở sa mạc của bang New Mexico (Mỹ), dự kiến vận hành vào năm ngoái để cung cấp điện cho 36.000 ngôi nhà.
Dự án là một phần trong kế hoạch loại bỏ một nhà máy điện than lớn và thay thế điện bằng năng lượng tái tạo để giúp bang New Mexico trung hòa carbon cho lưới điện vào năm 2045.
Nhưng ba năm qua kể từ khi hợp đồng của dự án được ký kết, các linh kiện năng lượng mặt trời trở nên khó mua hơn. Đồng thời, chi phí cho mọi thứ, từ tấm pin đến vốn vay đều tăng vọt. Dưới áp lực chi phí, DESRI, chủ đầu tư cho dự án này, một đơn vị của Công ty đầu tư D.E. Shaw, đã phải đàm phán lại các điều khoản.
Hợp đồng sửa đổi đề nghị lùi thời điểm khởi động dự án San Juan đến năm 2024, chậm hơn hai năm so với kế hoạch. Giá bán điện cũng điều chỉnh lên mức cao hơn gần 28% so với thỏa thuận ban đầu, theo các tài liệu nộp cho Cơ quan quản lý dịch vụ tiện ích của New Mexico.
Sau khi nhà máy điện than ngừng hoạt động vào năm ngoái, một công ty điện lực ở New Mexico, khách hàng của DESRI, đã phải mua điện thay thế với giá thị trường cao hơn cho đến khi dự án San Juan và một số trang trại năng lượng mặt trời bị trì hoãn khác hoàn thành.
“Chúng ta từng chứng kiến giá điện sạch giảm từ năm này qua năm khác. Nhưng chúng ta sẽ không còn thấy xu hướng này nữa nếu lãi suất vẫn ở mức cao”, David Zwillinger, CEO của DESRI nói.
Sau hơn một thập niên suy giảm, chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đã tăng lên do nhiều yếu tố từ các điều kiện kinh tế vĩ mô đến nỗ lực của các chính phủ nhằm kiểm soát chuỗi cung ứng năng lượng của họ.
Theo một báo cáo hồi tháng 6 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chi phí ở các dự án năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn đã tăng tới 20% vào năm ngoái ở hầu hết các nơi trên thế giới. Tại Mỹ, báo cáo của Công ty dịch vụ tài chính Lazard’s ghi nhận chi phí năng lượng tái tạo lần đầu tiên tăng trong năm nay kể từ khi công ty bắt đầu theo dõi dữ liệu gần 15 năm trước.
Các nhà phát triển năng lượng tái tạo ở Mỹ chịu tổn thương nặng nề. Họ đã đàm phán lại hợp đồng bán điện để duy trì hoạt động. Theo nền tảng giao dịch năng lượng sạch LevelTen Energy, mức giá mà các nhà phát triển này đang tính cho người mua điện dài hạn đã tăng gấp đôi kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 và tăng gần 30% chỉ trong năm qua.
Trong nhiều năm, các nhà sản xuất linh kiện năng lượng tái tạo, phần lớn ở Trung Quốc, giảm chi chí mọi thứ, từ tấm năng lượng mặt trời cho đến pin, giúp giá điện sạch giảm.
Theo IEA, từ năm 2010 đến năm 2021, chi phí trọn đời của các dự án điện gió trên bờ giảm khoảng 63%, trong khi chi phí ở các dự án năng lượng mặt trời giảm 87%. Sự sụt giảm đó giúp chi phí sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và gió trong hầu hết các trường hợp đều rẻ hơn so với điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Xu hướng giảm của chi phí điện sạch bắt đầu khựng lại khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển ở châu Á, nơi sản xuất hầu hết các thiết bị năng lượng sạch của thế giới, khiến chi phí hàng hóa tăng vọt. Chí phí năng lượng sạch tăng thêm sau khi chiến sự Ukraine gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch, đẩy giá năng lượng lên cao.
Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Mỹ còn đối mặt những thách thức khác, bao gồm các chính sách khiến việc hoạt động nhập khẩu các tấm pin mặt trời và các linh kiện năng lượng sạch khác trở nên khó khăn và tốn kém hơn.
Chi phí lao động tăng cao và sự chậm trễ trong quy trình cấp phép hoặc kết nối các dự án với lưới điện khiến cho việc xây dựng các dự án năng lượng mặt trời và gió trở nên đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, lãi suất cao hơn đẩy chi phí tài chính cho các dự án năng lượng mặt trời lên tới 30% so với vài năm trước, Zwillinger của DESRI cho biết.
Một số nhà quan sát thị trường năng lượng cho rằng sự gia tăng chi phí năng lượng tái tạo chỉ là tạm thời. Họ cho biết, mức tăng giá trong các hợp đồng mua năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió đang chậm lại hoặc đảo ngược ở Mỹ khi lạm phát giảm bớt và chuỗi cung ứng dần bình thường hóa.
Họ đánh giá, tại Mỹ, sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió vẫn rẻ hơn so với sản xuất điện bằng khí đốt tự nhiên hoặc than, đồng thời nhu cầu về năng lượng tái tạo vẫn rất cao.
Các khoản trợ cấp lớn của chính phủ Mỹ dành cho năng lượng tái tạo trong Đạo luật Giảm lạm phát cuối cùng cũng sẽ giúp kiểm soát chi phí. Theo Stephen Byrd, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bền vững toàn cầu của ngân hàng Morgan Stanley, tiến bộ công nghệ kết hợp với sự mở rộng trong sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời, gió và pin sẽ giúp khôi phục xu hướng giảm chi phí đều đặn. Ông dự báo chi phí sản xuất năng lượng tái tạo sẽ giảm 1/3 trên toàn cầu vào năm 2030 và thậm chí giảm mạnh hơn ở Mỹ.
Các dự án bị đình trệ của DESRI ở New Mexico cho thấy mức độ gián đoạn nghiêm trọng như thế nào. Công ty Dịch vụ công cộng New Mexico (PNM) ban đầu ký hợp đồng mua điện từ các dự án năng lượng mặt trời Arroyo và San Juan của DESRI lần lượt vào năm 2019 và 2020.
Thông thường, các hợp đồng như vậy đặt ra các điều khoản và giá điện, đồng thời cho phép các nhà phát triển tiến hành vay vốn và xây dựng dự án. Nhưng một loạt các vấn đề liên quan đến chi phí khiến không có dự án nào có thể triển khai đúng hạn.
Các đòn trừng phạt thương mại và các cuộc điều tra của Mỹ đối với các tấm pin mặt trời sản xuất ở châu Á khiến việc mua sắm cho các dự án của DESRI bị đình trệ hơn nữa. Một nhà cung cấp tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc cho dự án San Juan đã không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Dự án năng lượng mặt trời Arroyo ở New Mexico cũng gặp khó khăn trong việc thu mua các tấm pin, khiến DESRI phải thay thế nhà cung cấp và thiết kế lại các giá đỡ kim loại để cố định chúng.
Khi sự chậm trễ tăng lên, chi phí cũng bắt đầu tăng lên. Chi phí cho dự án San Juan đã tăng cao đến mức DESRI đã thương lượng tăng giá bán điện từ 26,31 đô la lên 33,55 đô la/megawatt giờ.
PNM cho biết đang cố gắng giữ mức giá đã thỏa thuận ban đầu trong các hợp đồng mua năng lượng tái tạo để hạn chế mọi tác động đến hóa đơn của người tiêu dùng.
Chánh Tài (Theo WSJ)