Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế các-bon thấp, giảm mối nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; từ đó, tạo sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định nguồn lao động cũng như duy trì hệ sinh thái.
Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh
Ðể hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đẩy mạnh chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế các-bon thấp và hướng tới mục tiêu Net Zero.
Những năm gần đây, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên cùng nhau nghiên cứu các giải pháp nhằm phát huy tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới, từng bước đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nghiên cứu, sản xuất và bán thành công ba sản phẩm mới: BOPP, RECC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95; Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ dầu khí (PVCHEM) phát triển các sản phẩm hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/Compound từ bột PP; Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) nghiên cứu sử dụng các sản phẩm làm nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, thu hồi và lưu trữ CO2, công nghệ sản xuất hydrogen và amonia xanh góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trao đổi vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy Petrovietnam Trần Quang Dũng cho biết: Ðể khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và trách nhiệm, trong quá trình hoạt động Petrovietnam luôn tuân thủ nghiêm ngặt về các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà chúng ta tham gia; đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, cập nhật công nghệ mới giúp giảm phát thải ra môi trường và hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro không mong muốn.
Petrovietnam và các đơn vị thành viên luôn bảo đảm thực hiện các biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa, giảm bớt tác động đến môi trường như: Áp dụng các biện pháp quản lý chất thải nghiêm ngặt, bao gồm xử lý chất thải rắn, lỏng và khí; thực hiện các giải pháp cải tiến công nghệ, tối ưu hóa vận hành, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng xanh, nhất là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã và đang hướng đến việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại nhiều khu vực, chương trình “LNG – hành trình năng lượng xanh” để giảm phát thải khí nhà kính, khí CO2; đánh giá và giảm tác động của hoạt động khai thác dầu khí đến môi trường tự nhiên và các khu vực đặc biệt nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhà máy Ford Hải Dương (Ford Việt Nam) cũng triển khai các giải pháp nhằm giảm lượng khí thải các-bon, xử lý chất thải, tiết kiệm điện và tài nguyên nước trong quá trình sản xuất.
Trưởng phòng Kỹ thuật Nguyễn Phước Minh cho biết, Nhà máy Ford Hải Dương tự hào khi đã và đang là cơ sở sản xuất không chôn lấp chất thải, thay vào đó tất cả các chất thải từ quá trình sản xuất được Ford và các đối tác thu gom, xử lý chuyên nghiệp, trong đó tập trung vào việc đạt được tính tuần hoàn và loại bỏ nhựa sử dụng một lần ra khỏi toàn bộ quá trình sản xuất. Các xưởng sơn được trang bị công nghệ lọc khí Dry-X của Tập đoàn Durr (Cộng hòa Liên bang Ðức) giảm phát thải vào môi trường.
Ðược biết, Tập đoàn Ford Motor nói chung và Ford Việt Nam nói riêng hiện đang tích cực định hình, theo đuổi tầm nhìn tới năm 2035, tất cả các cơ sở sản xuất đều sử dụng nguồn điện không có các-bon, cùng với đó là cam kết được mức độ trung hòa các-bon vào năm 2050.
Tiếp đến là Chiến lược về nước của Ford – với trọng tâm là loại bỏ nước sạch trong các quy trình sản xuất, thay vào đó nước sạch chỉ dành riêng cho hoạt động và nhu cầu của con người. Tỷ lệ tái chế nước cũng được tăng cường tại Nhà máy Ford Hải Dương nhờ hệ thống màng lọc Membrane Bioreactor.
Trong năm 2025 tới đây, Ford Motor đặt mục tiêu giảm 15% lượng nước sạch trong sản xuất so với năm 2019.
Xu thế tất yếu
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh.
Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Ðây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam; mục tiêu chung là tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế- xã hội.
Với sự nỗ lực của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, bước đầu chúng ta đã đạt một số kết quả khả quan về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.
Ðiển hình như việc chuyển dịch năng lượng, khi năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc.
Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng từ 15% đến 20% và năm 2045 đạt khoảng từ 25% đến 30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì mục tiêu tăng trưởng xanh hoàn toàn khả thi.
Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh; năm 2023 bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240 nghìn ha canh tác hữu cơ, trong khi đó năm 2016 chỉ là 77 nghìn ha; có 59 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai công nghiệp hữu cơ.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy sản xuất, kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn cũng nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng, chưa có chuyển biến rõ nét.
Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của Ðảng, Chính phủ về phát triển kinh tế xanh, thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cần sớm có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.
Trung Tuyến