Du lịch bền vững hướng tới Net Zero không chỉ là xu hướng, nó đã trở thành một nhu cầu tiêu dùng mang tính bền vững. Khảo sát của Booking.com (2023) cho thấy, 97% du khách người Việt muốn tham gia vào các điểm đến du lịch bền vững, du lịch xanh.
Dữ liệu của Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, doanh số ngành Du lịch Việt Nam đạt 436 nghìn tỷ đồng, đóng góp một phần lớn vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ (ngành kinh tế dịch vụ trở thành ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam khi đóng góp 42,54% tổng sản phẩm trong nước năm 2023). Tuy nhiên, hoạt động du lịch đã vượt qua khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và suy thoái môi trường.
Theo tạp chí khoa học Nature Climate Change, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025, chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Thực hành Net Zero không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức mà đang được đặt ra cụ thể với từng cá nhân thông qua việc thu thuế môi trường cá nhân, nhằm giảm thải carbon, chống biến đổi khí hậu bền vững. Tiêu chí của một công dân toàn cầu thời đại mới sẽ bao gồm trách nhiệm thực hành sống Net Zero, bao gồm hoạt động trải nghiệm du lịch giảm thải carbon.
Tọa đàm “Du lịch Net Zero, từ quy hoạch đến thực tiễn” do Tạp chí Du lịch TPHCM, Công ty CP Net Zero Việt Nam và Khu du lịch Làng Nhỏ tổ chức, dưới sự chứng kiến của đại diện Sở du lịch Khánh Hoà, đặt trọng tâm vào vấn đề kết nối giữa các đơn vị nghiên cứu triển khai giảm thải carbon, các nhà quy hoạch bền vững, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và các đơn vị lữ hành cung cấp dịch vụ tới du khách, các địa phương có mong muốn triển khai Du lịch Net Zero. Cùng đó, công tác truyền thông góp phần quan trọng trong hành trình tiến tới thực hành du lịch giảm thải carbon tại Việt Nam.
Tọa đàm có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Net Zero Việt Nam, các chuyên gia trong ngành du lịch và các đơn vị lữ hành lớn nhất của khu vực miền Nam, các chuyên gia truyền thông, nhà báo, KOLs du lịch. Tất cả cùng góp một tiếng nói tìm ra giải pháp để đưa ra bộ tiêu chí về thực hành Du lịch Net Zero chung cho Việt Nam.
Để đáp ứng với nhu cầu sống Net Zero của các công dân toàn cầu, tại Việt Nam một số khách sạn quốc tế như Sheraton đã triển khai các phòng lưu trú tiêu chuẩn Net Zero để phục vụ đối tượng du khách cần chứng nhận giảm thải carbon để được giảm thuế môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TPHCM cho rằng: “Để đạt tới trạng thái lý tưởng của ‘Du lịch Net Zero’ – một hoạt động hoàn toàn không gây tổn hại môi trường thì việc tạo ra môi trường du lịch bền vững là trách nhiệm của tất cả các cá nhân, đơn vị hoạt động trong ngành du lịch Việt Nam. Đặc biệt, đó là vấn đề cần sự hợp tác của nhiều ngành.”
“Để xây dựng môi trường du lịch bền vững, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên, giảm phát thải, song song với những hoạt động tạo ra lợi ích kinh tế – xã hội cho người dân địa phương. Song song đó cần gấp rút xây dựng cộng đồng rộng lớn để truyền thông, lan toả, phối hợp cùng đội ngũ chuyên gia tư vấn có bề dày kinh nghiệm thực tiễn triển khai và thực hiện”. Ông Hồ Trung Dũng, CEO của Net Zero Việt Nam cho biết.
Ở góc độ quy hoạch, ông Nguyễn Mạnh Bình San – chủ khu du lịch Làng Nhỏ (tại Khánh Hoà) – đơn vị điển hình đang từng bước triển khai thực hành Du lịch Net Zero nhấn mạnh: “Một trong ba nguyên tắc triển khai hình thái du lịch bền vững là phải cùng lúc thực hành 3 hành động: tiết kiệm không gian thiên nhiên môi trường; bối cảnh văn hoá, công trình văn hoá đặc sắc sẵn có và cuối cùng là trách nhiệm hoàn trả những tài nguyên đã khai thác”.
Sen Nguyễn