Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động tiến trình đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu từ đầu tháng 10/2023. Theo Cơ chế Ðiều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường hơn 500 triệu dân này sẽ bị đánh thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Là cơ chế đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, CBAM đã vấp phải một số ý kiến trái chiều.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, một số nước thành viên WTO xem việc đánh thuế carbon xuyên biên giới là biện pháp bảo hộ. Trong khi đó, nhiều nước gặp khó khăn khi không có công cụ định giá carbon cho hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, WTO đã quyết định phát triển phương pháp định giá carbon toàn cầu mà tất cả các nước đều có thể áp dụng, nhằm bảo đảm tính cạnh tranh của các nước đang phát triển khi xu hướng áp thuế carbon xuyên biên giới dần phổ biến.
Ðây không phải lần đầu việc định giá carbon toàn cầu được đề cập. Tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Canada đã phát động sáng kiến định giá carbon toàn cầu. Thông qua sáng kiến, các quốc gia thành viên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm hỗ trợ triển khai các công cụ xác định giá carbon, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tính đến nay, đã có gần 10 quốc gia tham gia sáng kiến như Na Uy, Chile, New Zealand, Ðan Mạch, Anh, Hàn Quốc và Ðức. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh, định giá carbon toàn cầu là giải pháp bảo đảm sự công bằng trong ứng phó biến đổi khí hậu. Các quốc gia phát thải nhiều phải đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong khi các nước đang phát triển đóng góp dựa trên thực tiễn phát thải khí nhà kính.
Giới chuyên gia nhận định, việc định giá carbon thu hút sự quan tâm của nhiều nước bởi đây được xem là một công cụ để kiểm soát ô nhiễm môi trường, và tiềm năng của thị trường này rất lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ trong năm 2022, các nước đã thu được 95 tỷ USD tiền phí phát thải carbon, tăng so với mức 84 tỷ USD ghi nhận năm trước đó và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, hệ thống buôn bán carbon của EU đã giúp giảm 35% lượng khí thải của khối kể từ năm 2005, đồng thời tạo ra doanh thu hơn 152 tỷ euro.
Việc định giá carbon thu hút sự quan tâm của nhiều nước bởi đây được xem là một công cụ để kiểm soát ô nhiễm môi trường, và tiềm năng của thị trường này rất lớn.
Bên cạnh đó, định giá carbon cũng là công cụ quan trọng giúp các nước cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Trong báo cáo Giám sát tài khóa được công bố mới đây, IMF cho rằng, nếu chỉ dựa vào các biện pháp chi tiêu hiện có nhằm thực hiện các mục tiêu về khí hậu, nợ công của thế giới có thể phình to lên mức tương đương 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào giữa thế kỷ này. Do đó, việc thực hiện gói chính sách, trong đó có mua bán tín chỉ carbon, đánh thuế carbon… có thể giảm đáng kể những tác động về lâu dài của quá trình chuyển đổi khí hậu đối với nợ công của các chính phủ.
Mặc dù là mục tiêu mà nhiều nước và tổ chức quốc tế cùng hướng tới, song việc định giá carbon toàn cầu cũng đối mặt nhiều trở ngại. Theo WB, giá carbon ở hầu hết các khu vực trên thế giới vẫn ở mức thấp hơn mức cần thiết để thúc đẩy các thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Ngoài ra, sự chênh lệch về giá carbon giữa các nước EU, Mỹ với các nước đang phát triển còn rất lớn. IMF khuyến nghị mức giá carbon trung bình toàn cầu là 75 USD/tấn vào cuối thập kỷ này. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính rằng, đến năm 2030, mức giá carbon 147 USD/tấn phát thải mới là đủ để tạo ra động lực kinh tế cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các nền kinh tế đang đặt ra một thách thức lớn để tất cả các quốc gia nhất trí với một mức giá carbon toàn cầu cao đồng đều.
Các chuyên gia khí hậu cho rằng, cần phải giảm gần một nửa mức ô nhiễm carbon trong 10 năm tới mới có thể thực hiện mục tiêu hạn chế Trái đất nóng lên và tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, theo Giám đốc trung tâm nghiên cứu môi trường và khí hậu quốc tế Oslo (Na Uy) Glen Peters, lượng phát thải vẫn đang tiếp tục xu hướng đi lên, dự kiến sẽ tăng từ 0,5% đến 1,5% trong năm nay, chạm mức kỷ lục mới. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng phương pháp định giá carbon toàn cầu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, giúp các nước đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tiến Dũng