
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc tạo ra tín chỉ carbon. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quá trình triển khai vẫn còn gặp một số vướng mắc, bởi chưa có quy định cụ thể về mức chi trả, chi phí trang trải cho các hoạt động liên quan đến các công tác đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm phát thải; giải quyết tranh chấp, khiếu nại…
Thực tế trên đòi hỏi cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn để triển khai dự án carbon rừng, cấp tín chỉ carbon rừng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ rừng và các bên liên quan.
Tiềm năng lớn vẫn khó vận hành
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, rừng Việt Nam có tiềm năng lớn về kinh tế và môi trường. Tính đến nay, diện tích rừng trên cả nước chiếm hơn 14,87 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10,1 triệu ha, rừng trồng hơn 4,7 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42%.
Với diện tích rừng lớn và đa dạng sinh học phong phú, Việt Nam có khả năng tạo ra nguồn thu nhập lớn từ việc bán tín chỉ carbon, phát triển các khu du lịch sinh thái hấp dẫn và khai thác bền vững các sản phẩm rừng. Chỉ riêng rừng ngập mặn Cần Giờ có thể tạo ra từ 1-5 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.
Do đó, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, được triển khai từ ngày ký ban hành và thí điểm đến hết ngày 31/12/2026.
Qua gần 3 năm thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính nguồn thu từ carbon rừng, kết quả cho thấy đây là nguồn thu mới để đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng lâu dài.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về vấn đề sử dụng nguồn tiền từ chuyển nhượng kết quả giảm phát thải của chủ rừng là tổ chức, xác định đối tượng được hưởng lợi. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể về mức chi trả, chi phí trang trải cho các hoạt động liên quan đến các công tác cần thiết như đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm phát thải; kiểm tra, giám sát carbon rừng…
Hiện một số đối tác quốc tế đang tích cực hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để trao đổi, thảo luận về ký kết thoả thuận trao đổi tín chỉ carbon. Một số địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thí điểm xây dựng Đề án đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng nhưng đến nay không thể triển khai do chưa có khung pháp lý về trao đổi, chuyển nhượng kết quả giám phát thải, tín chỉ carbon rừng áp dụng trong phạm vi toàn quốc.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2025/NĐ-CP ngày 9/6/2025 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Trong đó có quy định trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án carbon nói chung; quy định chỉ có tổ chức mới có thể đăng ký dự án carbon. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể cơ quan nào tổ chức triển khai dự án carbon rừng.
Trong khi đó, theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, có khu rừng thuộc sở hữu toàn dân, có khu thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Điều này đặt ra yêu cầu phải có quy định cụ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thể triển khai dự án carbon rừng phù hợp với các hình thức sở hữu rừng ở nước ta.
Trước những khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Trong đó quy định chi tiết Điều 63 của Luật Lâm nghiệp, bao gồm: Đối tượng, hình thức, mức chi trả, quản lý sử dụng tiền dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; bổ sung các nội dung về nguyên tắc, điều kiện cung ứng và sử dụng dịch vụ; triển khai thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Rõ pháp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích
Theo dự thảo nghị định trên, bên cung ứng dịch vụ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng phải đăng ký xây dựng, triển khai dự án carbon rừng theo quy định pháp luật. Trong đó đảm bảo đầy đủ từ các hoạt động tạo kết quả giảm phát thải đến đo đạc, báo cáo và thẩm định kết quả giảm phát thải; cấp tín chỉ carbon rừng.
Cùng với đó là phải đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải do quốc gia tự quyết định (NDC) và các nghĩa vụ khác; thực hiện cung ứng dịch vụ thông qua các hình thức, như: hợp đồng hoặc thực hiện trên sàn giao dịch carbon trong nước.
Bên sử dụng dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng là tổ chức hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, cam kết thực hiện các nội dung theo hợp đồng hoặc cơ chế vận hành của sàn giao dịch carbon trong nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, dự thảo nêu rõ việc cung ứng và sử dụng dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng phải đảm bảo công khai, có trách nhiệm, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ rừng và các bên liên quan đồng thời đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam tham gia.
Đối với kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng đã được trao đổi, chuyển nhượng theo hợp đồng hoặc trên sàn giao dịch carbon, thì bên cung ứng không được trao đổi, chuyển nhượng cho các bên sử dụng khác. Nguồn thu từ trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng là nguồn thu của chủ rừng, được sử dụng cho các hoạt động phục vụ bảo vệ và phát triển rừng…
Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon vào ngày 24/1/2025 đồng thời đang hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai. Theo đó, thị trường carbon Việt Nam sẽ gồm hai hợp phần: Thị trường bắt buộc (trao đổi hạn ngạch phát thải) và thị trường tự nguyện (trao đổi tín chỉ carbon).
Trong giai đoạn 2025-2026, thị trường sẽ áp dụng với ba nhóm ngành có mức phát thải lớn (điện, sắt thép, ximăng) chiếm khoảng 40% tổng phát thải quốc gia. Trọng tâm hiện nay là xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia, cùng với hệ thống đăng ký, phân bổ và cấp tín chỉ để từ sau 2028 có thể kết nối với thị trường quốc tế.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước cũng được khuyến khích phát triển tín chỉ theo cơ chế tự nguyện, giao dịch theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Theo Cục Biến đổi khí hậu, hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp Bộ Tài chính xây dựng nghị định riêng cho hoạt động giao dịch quốc tế.
Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển các sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện do khu vực tư nhân vận hành. Tiêu biểu là sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN – kết nối người mua, người bán tín chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước.
Tuy vậy, ông Quang cũng lưu ý để tín chỉ carbon được công nhận và đưa vào giao dịch, các dự án sẽ phải tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn kỹ thuật, pháp lý, có hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra, xác minh (MRV) rõ ràng. Do vậy, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chuyên môn, pháp lý để cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường thí điểm trong năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cũng nhấn mạnh Việt Nam hiện đang tập trung vào việc phát triển năng lượng và giải quyết các vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh bền vững. Theo đó, dự kiến cuối năm 2025 sẽ đi vào thử nghiệm thị trường tín chỉ carbon./.
Hùng Võ