
Từ một biểu tượng của thảm họa hạt nhân, thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành hình mẫu của phát triển bền vững và năng lượng tái tạo tại Nhật Bản.
Mười ba năm sau sự cố hạt nhân nghiêm trọng tại Nhà máy điện Fukushima số 1 (năm 2011), thị trấn Okuma – nơi từng bị buộc phải sơ tán toàn bộ cư dân – đang hồi sinh bằng một tầm nhìn đầy tham vọng: xây dựng một cộng đồng trung hòa carbon, thân thiện với môi trường và độc lập về năng lượng.
Khát vọng xanh – từ tuyên bố đến hành động
Tháng 2/2020, chính quyền thị trấn Okuma công bố “Tuyên bố Không Carbon Okuma 2050,” thể hiện quyết tâm tiên phong vượt qua bóng tối của quá khứ.
Một năm sau, tầm nhìn này tiếp tục được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược Không Carbon” – với mục tiêu đặc biệt: đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2040, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu quốc gia.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thị trấn đã triển khai hàng loạt sáng kiến tập trung vào sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó nổi bật là dự án nhà máy điện mặt trời công suất 1,8MW, tích hợp hệ thống pin lưu trữ 4MWh, xây dựng ngay tại khuôn viên của Trường Trung học cơ sở Okuma – nơi từng bị đóng cửa do thảm họa.
Nguồn điện sạch này được truyền qua một tuyến cáp dài 3km đến ba địa điểm trọng yếu: khu công nghiệp CREVA Okuma, trung tâm thương mại Kuma SUN Terrace (gần ga JR Ono), và một khu tổ hợp văn hóa-giáo dục gồm thư viện và bảo tàng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Nhờ tích hợp các tấm pin Mặt Trời ngay tại công trình, hơn 86% lượng điện tiêu thụ của các cơ sở này sẽ đến từ nguồn tái tạo.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Kuwagata Kazuki, thành viên Ban Xúc tiến Không Carbon của thị trấn Okuma cho biết: “Các tấm pin có công suất 1,8 MW hiện được đặt tại một khu đất rộng và gần với nơi sử dụng điện, giúp giảm chi phí dây dẫn. Chúng tôi kiểm tra định kỳ và chỉ thay pin yếu, tối ưu chi phí vận hành.”
CREVA Okuma – một trong ba địa điểm thụ hưởng nguồn điện tái tạo – được xây dựng theo mô hình Nearly ZEB (Net Zero Energy Building), tức là tòa nhà có mức tiêu thụ năng lượng gần bằng 0.
Thiết kế tòa nhà tích hợp mái che nắng mùa hè, vật liệu cách nhiệt tiên tiến, hệ thống địa nhiệt, cho phép tiết kiệm điện tối đa trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi.
Khái niệm ZEB được xem là bước đột phá của ngành xây dựng hiện đại, hướng đến các công trình không phát thải ròng, tận dụng triệt để nguồn năng lượng tại chỗ như mặt trời, gió, địa nhiệt… nhằm thích ứng với bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Niềm tin vào sự hồi sinh
Bên cạnh các dự án quy mô lớn, Okuma cũng triển khai hệ thống điện Mặt Trời và pin lưu trữ tại các địa điểm công cộng như Tòa thị chính, khu nhà ở xã hội, và một nhà máy trồng dâu tây trong thị trấn. Tất cả được quản lý bởi một công ty điện lực địa phương, theo mô hình tự cung – tự cấp năng lượng, thúc đẩy vòng tuần hoàn kinh tế địa phương.
Hành trình chuyển mình của Okuma thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá. Thị trấn – từng bị gắn liền với ký ức thảm họa – giờ đây đang trở thành hình mẫu phục hồi xanh không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho cả thế giới.
Những chiến lược cụ thể, sự kiên định và đầu tư bài bản đang giúp Okuma từng bước thoát khỏi cái bóng quá khứ để trở thành biểu tượng của phát triển bền vững. Việc áp dụng rộng rãi năng lượng tái tạo, xây dựng các công trình Nearly ZEB và thực hiện mô hình điện lực cộng đồng là minh chứng cho khả năng biến nghịch cảnh thành cơ hội.
Okuma – giờ đây – không còn là nơi của thảm họa, mà là nơi nuôi dưỡng hy vọng, là tiếng nói tiên phong trong sứ mệnh trung hòa carbon – một mục tiêu chung của toàn nhân loại trong thế kỷ 21./.