Tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam, đánh giá về tiềm năng kinh tế xanh, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chính sách, Tài nguyên và Môi trường cho hay tỷ lệ kinh tế “xanh” của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 2% trong toàn bộ nền kinh tế, 98% còn lại vẫn là kinh tế “nâu”.
Theo ông Thọ, lịch sử phát triển của thế giới cho thấy muốn tăng trưởng kinh tế phải đô thị hóa, công nghiệp hóa. Để hướng tới mục tiêu Net Zero, các quốc gia trên thế giới cũng đã có nhiều cam kết. Do đó, để tạo đột phá trong tăng trưởng xanh, ông Thọ cho rằng cần nhìn cách thế giới hướng tới mục tiêu Net Zero. Với dòng vốn khí hậu, các nước giàu cam kết tài trợ cho nhóm đang phát triển 100 tỷ USD mỗi năm từ 2009 theo Thỏa thuận khí hậu Paris và tăng lên 300 tỷ USD sau hội nghị khí hậu COP29 cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ dòng vốn này.
“Theo thỏa thuận Paris, Việt Nam phải đạt được tài chính xanh – công nghệ xanh – năng lực xanh. Rất tiếc chúng ta không có đáp ứng đủ các yếu tố trên. Trong bối cảnh khuynh hướng tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng đang ngày càng được đẩy mạnh, xuất khẩu thì phát thải sẽ càng lớn và điều này rất khó để đạt tăng trưởng 2 chữ số”.
Theo đó, liên quan đến giải pháp đột phá để chuyển đổi xanh, ông Thọ cho hay việc chuyển đổi xanh sẽ rất khó khi được cải cách cùng lúc các nền kinh tế khác. Do đó, việc khoanh vùng một số khu vực Net Zero để thu hút vốn là phù hợp.
“Chúng ta sẽ bắt đầu từ Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong, xây dựng những đặc khu kinh tế Net Zero để hướng đạt tới mục tiêu tăng trưởng xanh, huy động nguồn tài chính khí hậu, thu hút được các nguồn vốn tài chính thông qua các trung tâm tài chính. Các đảo trên có quy mô tương đương Singapore và bằng 1/3 Hồng Kông. Chúng ta phải có cách làm khác biệt so với những cách truyền thống mới có thể thay đổi”, ông Thọ nhấn mạnh.
“Tôi hi vọng Chính phủ sẽ sớm thiết lập các đặc khu Net Zero tại các đặc khu kinh tế lớn, huy động nguồn tài chính hải ngoại. Một công cụ tài chính nữa Việt Nam có thể tận dụng là tín chỉ carbon. Tôi hi vọng thông qua tín chỉ carbon, để đầu tư hạ tầng xanh, đây là cơ hội của Việt Nam”, ông Thọ nói.
Đánh giá thêm, TS. Đặng Huy Đông – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư – khẳng định chuyển đổi xanh sẽ là “một động cơ phản lực” góp phần vào mức tăng trưởng tham vọng hai chữ số của Việt Nam, bên cạnh chuyển đổi số.
“2 cánh là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là 2 động cơ đang tương tác và phối hợp với nhau, hoàn toàn giúp chúng ta tăng trưởng thêm 1-2% nữa. Do vậy việc tăng trưởng 2 con số hoàn toàn có thể”, ông Đông nhấn mạnh.
Nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong việc tham gia thương mại quốc tế, ông Đông cũng cho rằng Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.
“Hiện nay đâu đó cách tuyên truyền của chúng ta vẫn đang nghĩ rằng chuyển đổi xanh là thách thức, làm chậm đà tiến của chúng ta. Mặc dù đây là thách thức nhưng nếu chúng ta nhận diện đầy đủ, kịp thời làm thì đó là động lực rất mới để ta tăng tốc”, ông Đông cho hay.
Anh Phan