Tại sự kiện vấn đề giảm phát thải, thu thập tín chỉ carbon được xem là một lợi thế cạnh tranh tiềm năng của các doanh nghiệp Việt. Tổng giám đốc toàn cầu công ty Tư vấn Roland Berger, ông Denis Depoux cho rằng giảm phát thải là lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là vấn đề tín chỉ carbon. Ông cho biết châu Á đang là trung tâm của câu chuyện biến đổi khí hậu, chiếm 50% phát thải toàn cầu và tăng mỗi năm 2%.
Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đang sử dụng điện than và chỉ còn 5 năm để hành động trước khi hết thời hạn tín dụng carbon. Vị lãnh đạo Roland Berger đưa ra thông tin nhu cầu về năng lượng tái tạo tại châu Á đang ngày càng tăng.
Cụ thể, Trung Quốc đang chiếm 40-45% công suất phát điện giảm phát thải. Song, năng lực sản xuất như vậy chưa đủ nhu cầu về năng lượng điện năng tái tạo vào năm 2030, vẫn cần thêm 8 terawatts, trong đó châu Á cần thêm 4,2 terawatts.
Với việc các cuộc gia ngày càng cạnh tranh trong việc chống biến đổi khí hậu, nhiều công ty cũng phải tính đến chi phí sản xuất nguyên vật liệu và thuế phí carbon để đáp ứng với yêu cầu của từng khu vực.
Chẳng hạn, Liên minh châu Âu ra chính sách biên giới carbon, sẽ chặn bớt việc nhập khẩu các sản phẩm có dấu vết (footprint) carbon cao, từng bước làm thay đổi lựa chọn của các quốc gia đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa.
Ông Depoux đánh giá Việt Nam có tỷ trọng năng lượng có tính cạnh tranh tốt so với các nước khác, có thể ngang ngửa các quốc gia đang phát triển. Ông cho rằng Việt Nam cần phải đạt các mục tiêu giảm phát thải để duy trì cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Vị lãnh đạo Roland Berger cũng chỉ ra các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến 3,3-3,6 tỷ người dù họ không phải là nguyên nhân chủ đạo gây ấm lên toàn cầu. Biến đổi khí hậu cũng gây ra rủi ro và chi phí cao hơn cho các biện pháp ứng phó. Trong đó, nước ta có khả năng chịu ảnh hưởng rất nặng bởi nước biển dâng do sở hữu đường bờ biển dài, khoảng 36% diện tích của TP HCM sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.
“Xã hội không thể chờ đợi và doanh nghiệp có trách nhiệm phải xem giảm phát thải là lợi thế cạnh tranh, không chỉ vì luật pháp mà còn vì yêu cầu từ khách hàng”, ông Denis Depoux nói.
Việt Nam đang làm gì để cạnh tranh tín chỉ carbon?
Theo chia sẻ từ bà Đặng Hồng Hạnh, CEO Energy Environment Climate, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050 tại COP26 và đi kèm là những hành động rõ ràng của Việt Nam.
Cụ thể, tháng 7/2022, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, hướng tới mục tiêu cam kết giảm 43,5% lượng khí nhà kính so với kịch bản thông thường.
Tháng 11/2022, Việt Nam đưa ra cam kết tự nguyện giảm phát thải 18,5% vào năm 2030 không có hỗ trợ quốc tế, tăng 9,5 điểm phần trăm so với mục tiêu 9% đề ra từ năm 2020 và giảm 43,5% khi có hỗ trợ quốc tế (năm 2020, cam kết mức giảm khí nhà kính là 27%).
Tháng 12/2022, Việt Nam và nhóm Đối tác quốc tế (IPG) như chính phủ Anh, Pháp, Mỹ đã đưa ra kế hoạch huy động 15,5 tỷ USD ban đầu từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới để đẩy nhanh quá trình khử carbon trong hệ thống điện, hướng tới mức đỉnh không quá 170 MtCO2e vào năm 2030.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm đỉnh công suất 37GW của nhiệt điện than xuống còn 30,2GW vào năm 2030, nâng tỷ trọng sản xuất điện năng lượng tái tạo từ 36% lên ít nhất 47% bao gồm cả điện gió, điện mặt trời để đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đưa ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 bằng cách đầu tư vào điện gió và điện mặt trời với công suất lớn. Theo đó, Việt Nam cần thêm hơn 200 gigawatts điện gió và điện mặt trời để đạt mục tiêu đề ra. Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 150.000 xe ô tô điện và 1 triệu xe máy điện được bán ra thị trường từ nay đến năm 2030.
Theo nhận định của bà Đặng Hồng Hạnh, những cam kết từ Chính phủ Việt Nam sẽ là động lực để doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải, đây được xem là nhiệm vụ bắt buộc.
Theo đó, thị trường carbon sẽ giúp doanh nghiệp giảm phát thải nhà kính với chi phí hiệu quả. Theo lộ trình, đến năm 2025 Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 sẽ chính thực vận hành.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ và lộ trình báo cáo việc cắt giảm phát thải nhà kinh tự nguyện cho bộ chủ quản từ 2023. Tại quyết định 01/2022, Thủ tướng liệt kê 1.912 doanh nghiệp có phát thải lớn phải thực hiện báo cáo. Danh sách này sẽ được thay đổi, cập nhật hằng năm.
Từ năm 2024, doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo hai năm một lần. Từ năm 2026, doanh nghiệp phải lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2026-2030 và định kỳ hàng năm nộp báo cáo, bản cập nhật kế hoạch.
Với những động thái nói trên, các doanh nghiệp nằm trong danh sách sẽ buộc phải phân bổ lượng phát thải nhà kính dựa trên số liệu báo cáo của những năm trước đó.
Thành Vũ