Chi phí sản xuất thực phẩm ở các nước Đông Nam Á có thể tăng thêm từ 31-59% vào năm 2050 nếu các chính sách hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về mức zero (Net-Zero) được thực hiện thành công, theo báo cáo của tổ chức tư vấn kinh tế Oxford Economics.
Với Việt Nam, chi phí sản xuất thực phẩm có thể tăng thêm gần 52% vào năm 2050.
Net-Zero làm tăng chi phí năng lượng và lao động
Báo cáo của Oxford Economics công bố trong tháng này cho biết, chi phí sản xuất thực phẩm ở các nước Đông Nam Á (ASEAN) có thể tăng thêm khoảng từ 31% đến 59% vào năm 2050 do tác động của chính sách Net-Zero. Báo cáo được thực hiện với sự cộng tác của Hiệp hội ngành công nghiệp thực phẩm châu Á và Liên minh Thực phẩm và đồ uống ASEAN (AFBA)
Theo báo cáo, để chuyển đổi nền kinh tế đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050, các nước ASEAN sẽ phải triển khai nhiều loại thuế và quy định bổ sung về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lĩnh vực mà khu vực này còn phụ thuộc lớn. Điều này sẽ làm tăng chi phí năng lượng và lao động, hai yếu tố chính dẫn đến chi phí sản xuất thực phẩm tăng trong dài hạn.
“Rủi ro trong quá trình chuyển đổi sang Net-Zero không chỉ làm tăng hóa đơn nhiên liệu và điện cho nhà sản xuất thực phẩm còn đối với hoạt động vận chuyển, kho lạnh và kho bãi. Giá thực phẩm cao hơn sẽ đẩy tăng chi phí lao động vì người lao động sẽ yêu cầu mức lương cao hơn để theo kịp chi phí sinh hoạt tăng cao”, báo cáo giải thích.
Giá thực phẩm ở Indonesia chịu nhiều rủi ro nhất trong quá trình chuyển đổi sang Net-Zero, với chi phí sản xuất dự kiến sẽ tăng gần 59% vào năm 2050, so với kịch bản cơ sở khi nước này không triển khai thêm chính sách Net-Zero nào ngoài những chính sách đã công bố.
Theo sau là Việt Nam với chi phí sản xuất thực phẩm có thể tăng thêm 51,6% vào năm 2050. Mức tăng này ở Malaysia, Thái Lan và Philippines dự kiến lần lượt là 38,9%, 31,8% và 30,8%.
Hiện tại, giá thực phẩm trong khu vực đang tăng do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Oxford Economics cho biết, nếu nhiệt độ trung bình tăng 1% ở 5 thị trường sản xuất thực phẩm nói trên, giá thực phẩm sẽ tăng thêm từ 0,96 – 2,17%.
Philippines là nước dễ bị tổn thương nhất về rủi ro tăng giá thực phẩm do tình trạng nhiệt độ tăng cao. Giá thực phẩm ở Philippines ước tính tăng 2,17% khi nhiệt độ trung bình tăng thêm 1%. Đất nước này thường xuyên đối mặt với các điều kiện khí hậu bất lợi như thường xuyên bị bão tấn công. Ngoài ra, hệ thống nông nghiệp của Philippines cũng dễ tổn thương trước những thay đổi của thời tiết
Indonesia là nước dễ bị tổn thương thứ hai, với giá cả thực phẩm sẽ tăng 2% khi nhiệt độ trung bình tăng 1%.
“Các gia đình ở Đông Nam Á đang chịu áp lực chi phí thực phẩm gia tăng. Nếu thiếu hành động phối hợp của các chính phủ và ngành công nghiệ thực phẩm, mục tiêu Net-Zero có thể khiến nhiều người dân không lo nổi chi phí cho nhu cấu dinh dưỡng cơ bản”. S Yogendran, cố vấn cấp cao của AFBA nói.
Đầu tư nước ngoài là chìa khóa chuyển đổi hệ thống sản xuất thực phẩm
Báo cáo cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là chìa khóa để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống sản xuất thực phẩm của khu vực.
Bằng cách hợp tác với các công ty nước ngoài với tư cách là đối tác kinh doanh hoặc thương mại, các công ty địa phương ở ASEAN thể tiếp thu chuyên môn và kiến thức mới, chẳng hạn như trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh với khí hậu.
Điều này có thể dẫn đến tăng hiệu quả và năng suất cũng như khả năng cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp địa phương.
Những quan hệ đối tác như vậy cũng giúp mở ra khả năng tiếp cận thị trường rộng hơn thông qua các mạng lưới quốc tế đã được thiết lập của các công ty nước ngoài. Từ đó, tạo điều kiện đa dạng hóa xuất khẩu và tăng trưởng doanh thu cho các nước ASEAN.
Tuy nhiên, để tối đa hóa những lợi ích này, các cơ quan chức năng ở ASEAN cần giải quyết các vấn đề pháp lý quan trọng liên quan đến quyền sở hữu nước ngoài, duy trì một sân chơi công bằng cũng như các cơ chế thương mại cởi mở, chủ động cung cấp hỗ trợ hành chính, vận hành và chiến lược các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại
Báo cáo cũng kêu gọi các đối tác phát triển giúp ASEAN giảm thiểu rủi ro bằng cách đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu, hệ thống quản lý nước cũng như hệ thống cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai.
Các đối tác này cũng có thể đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi Net-Zero trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và chuyên môn kỹ thuật để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế ASEAN.
Lĩnh vực sản xuất thực phẩm của ASEAN đang ngày càng hội nhập hơn với mạng lưới sản xuất toàn cầu, khi tỷ trọng nhập khẩu thực phẩm toàn cầu từ khu vực này tăng từ 6,6% vào năm 2000 lên 9,1% vào năm 2021.
“Giá thực phẩm tăng ở châu Á cũng tạo ra mối lo ngại về chi phí sinh hoạt trên toàn cầu… Trong bối cảnh này, các biện pháp can thiệp nhằm kiềm chế giá thực phẩm ở ASEAN có thể góp phần giảm thiểu tình trạng lạm phát tăng đối với phần còn lại của nền kinh tế thế giới”, báo cáo của Oxford Economics lưu ý.
Khánh Lan (Theo Business Times)