
Khi đề cập tới phát triển bền vững, thường chúng ta chỉ nhắc nhiều về khí thải của phương tiện giao thông, khí thải của bất động sản công nghiệp, các tòa nhà thương mại, trong khi mảng dân dụng hay phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi, nhiều nghiên cứu cho thấy, gần 40% khí thải carbon trên toàn thế giới đến từ mảng dân dụng. Điều này chứng tỏ, đây là mảng đang tác động rất lớn đến môi trường.
Cần chủ động thích ứng trong kỷ nguyên số xanh
Nhìn nhận về phát triển kinh tế đô thị xanh dưới áp lực chuyển đổi và vai trò của ngành xây dựng-bất động sản bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, quá trình phát triển, hình thành đô thị xanh, đô thị thông minh hiện nay phần lớn vẫn do các doanh nghiệp bất động sản tự chủ động triển khai, vẫn còn thiếu cơ chế chính sách đi kèm theo để cụ thể hoá các định hướng phát triển đô thị xanh toàn diện.
Vì còn thiếu cơ chế chính sách nên chưa có các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật nào thống nhất để ứng dụng, nên thực trạng phát triển xanh trên thị trường vẫn đang “trăm hoa đua nở”. Điều này dẫn đến tình trạng hiệu quả thực sự đem lại sau quá trình đầu tư công nghệ không được thể hiện rõ nét, dễ dẫn đến lãng phí.
Chưa kể, thực tế phát triển công trình xanh, bền vững và các ngành cung ứng liên quan hiện nay vẫn còn tình trạng đưa ra những sản phẩm, thiết bị chưa thực sự dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, chưa lấy khách hàng làm trung tâm.

Chỉ ra trong kỷ nguyên số-xanh, ngành xây dựng-bất động sản cần phải chủ động thích ứng, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, muốn phát triển xanh phải gắn liền với phát triển số. Dù phát triển số thì chưa chắc đã phát triển xanh, nhưng không thể phủ nhận chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số-xanh và đó chính là xu thế, không chỉ buộc phải có để tồn tại mà còn là cách thức để cạnh tranh, khẳng định đẳng cấp. Sự bền vững được cụ thể hoá gắn với xanh, số. Tư duy ấy bây giờ đây đã trở thành mệnh lệnh chính trị. Mệnh lệnh quan trọng nhất là thị trường.
Lý giải nguyên nhân, ông Thành phân tích, tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là khu vực bắc Á. Tại Việt Nam, 60% hiện nay ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, tầng lớp này đòi hỏi “xanh”, an toàn, nhân văn, cá tính. Tầng lớp thứ 2 là genZ. Tầng lớp này cũng “sống rất xanh”, yêu cầu “xanh” rất cao. Tầng lớp thứ 3 là những người trí thức, họ có ý thức cao. Những tầng lớp này tạo thành mệnh lệnh thị trường.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, những doanh nghiệp có cam kết về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), định hướng về phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn… sẽ có hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp trên thế giới hiện nay yêu cầu một trong những yếu tố để hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam là phát triển bền vững mới. Nếu doanh nghiệp không đạt được những yêu cầu về phát triển xanh, phát triển bền vững thì không có khả năng cạnh tranh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhất trí cao rằng, khi nói đến vấn đề dịch chuyển xanh, phát triển xanh, phải hiểu rằng đó không chỉ gói gọn trong một yếu tố đơn lẻ mà là một chuỗi liên kết từ đô thị, công trình cho đến các trang thiết bị sử dụng bên trong. Một giải pháp xanh đòi hỏi sự đồng bộ của tất cả các yếu tố, tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thực tế, công trình bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trước hết là cho môi trường. So với công trình thông thường, công trình bền vững có thể tiết kiệm khoảng 30% năng lượng tiêu thụ, 35% lượng phát thải carbon, 30-50% lượng nước sử dụng, đồng thời giảm từ 50-90% chi phí xử lý chất thải.
Đồng thời, công trình xanh cũng góp phần nâng cao sức khỏe và đem lại tiện nghi cho người sử dụng. Các công trình bền vững được thiết kế để tối ưu hóa trải nghiệm của người sử dụng thông qua việc tận dụng ánh sáng tự nhiên, kiểm soát mức độ chiếu sáng, điều chỉnh hệ thống thông gió và duy trì nhiệt độ ổn định. Những yếu tố này không chỉ giúp cải thiện sự thoải mái trong không gian sống và làm việc, mà còn giảm căng thẳng, tăng năng suất lao động một cách đáng kể.
Về lợi ích kinh tế, theo tính toán chi phí xây dựng công trình xanh trung bình chỉ tăng thêm chưa đến 2%, trong khi phần chi phí này hoàn toàn có thể được bù đắp nhờ các thiết kế xanh và việc áp dụng phân tích chi phí vòng đời (LCCA) ngay từ giai đoạn đầu. Chi phí thiết kế công trình xanh cũng được xác định linh hoạt tùy theo quy mô các ngành kinh tế, giúp dễ dàng tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, các công trình xanh còn giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng tiêu thụ và góp phần nâng cao hiệu quả công việc, với mức cải thiện năng suất ước tính từ 1-1,5%.

Đáng chú ý, công trình xanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển đô thị thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Chuyển đổi xanh và cả chuyển đổi số hiện nay là một cuộc cách mạng 3 trong 1.
Đầu tiên là cách mạng công nghệ, trong đó thấy rõ nhất là công nghệ năng lượng xanh, thiết bị xanh.
Thứ hai là cách mạng thay đổi tư duy, lối sống, phương thức sản xuất, thị trường, tiêu dùng, các định chế tài chính.
Thứ ba là thể chế. Cả 3 yếu tố này đều phải thay đổi và muốn thay đổi được, thì điều đầu tiên là Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp, đưa ra “luật chơi” là các quy định, thể chế để doanh nghiệp có một hành lang pháp lý yên tâm để phát triển. Bởi một khi thị trường đã có những nhu cầu thì doanh nghiệp bắt buộc phải phát triển dự án, phải có sản phẩm dịch vụ phục vụ cho nhu cầu đó của thị trường, dù đôi khi Nhà nước chưa yêu cầu.
Thí dụ như tiêu chí xanh ở các công trình, dự án. Nhà nước muốn hỗ trợ, muốn cấp chứng chỉ thì phải có tiêu chí, nhưng hiện nay việc này vẫn đang làm chưa xong. Khi có tiêu chí xanh thì mới có đến tài chính xanh. Trong hơn 16 triệu tỷ tín dụng Việt Nam hiện nay mới có 4,5% gọi là tín dụng xanh và cơ bản xanh ở đây chủ yếu tập trung cho năng lượng tái tạo.
Phải chuyển bộ tiêu chí công trình xanh từ khuyến khích thành bắt buộc trong thực tiễn
Hiện nay, các bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam chủ yếu mang tính chất khuyến khích, chưa bắt buộc áp dụng trong thực tiễn. Trong khi đó, tại một số quốc gia trong khu vực, nhiều chính sách đã được triển khai nhằm thúc đẩy quá trình phát triển công trình xanh nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, các chuyên gia kinh tế đã lưu ý hai thông điệp cụ thể, đó là:
Thứ nhất, cần đưa các tiêu chí công trình xanh vào hệ thống quy chuẩn bắt buộc trong quá trình cấp phép xây dựng, qua đó tạo ra giá trị pháp lý rõ ràng và nâng cao tính cam kết của chủ đầu tư.
Thứ hai, cần có các chính sách ưu đãi phù hợp thông qua cơ chế thuế và các lợi ích cụ thể dành cho nhà phát triển dự án, nhằm tăng tính hấp dẫn và khả thi trong triển khai thực tế.
Ở các khía cạnh như nhận thức của người tiêu dùng, tính đồng bộ trong hệ thống quản lý, cơ chế chính sách… còn khá nhiều việc cần phải làm để thay đổi tư duy và hành động cho mục tiêu “xanh hoá”.

Việt Nam từng ban hành Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD, nay đã đổi tên thành Quy chuẩn 04:2019/BXD. Nếu muốn thúc đẩy công trình xanh, cần xây dựng và áp dụng một bộ công cụ đánh giá phù hợp do Bộ Xây dựng chủ trì. Hiện, Bộ Xây dựng cũng đang tích cực hoàn thiện bộ công cụ riêng phục vụ việc đánh giá và phát triển công trình xanh. Trước mắt, Quy chuẩn 04:2019/BXD được áp dụng với các công trình có tổng diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên, sau đó sẽ mở rộng ra các loại hình công trình khác với quy mô nhỏ hơn.
Hiện nay, vấn đề tài chính xanh và tín dụng xanh vẫn còn là trăn trở lớn. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ hoặc chưa tiếp cận được với nguồn vốn này, trong khi nhu cầu tín dụng xanh lại ngày một tăng, tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống ngân hàng thương mại và cả Ngân hàng Nhà nước.
Thị trường bất động sản được xem là lĩnh vực có nhu cầu vốn lớn và tác động trực tiếp đến quá trình phát triển xanh. Khi bất động sản chuyển hướng theo hướng xanh hóa, dòng vốn xanh mới có điểm đến. Tuy nhiên, cần thiết phải có bộ tiêu chí rõ ràng, minh bạch về bất động sản xanh trong đó, có thể cân nhắc việc cấp tín dụng xanh cho các dự án bất động sản đạt được ít nhất một trong các chứng chỉ xanh quốc tế uy tín. Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Có thể thấy rằng, trên hành trình phát triển xanh và bền vững, không nhất thiết mọi công trình đều phải đạt chuẩn “xanh toàn diện” ngay từ đầu. Điều quan trọng hơn cả là tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, khuyến khích các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án từng bước ứng dụng giải pháp công nghệ xanh, thiết bị tiết kiệm năng lượng vào từng cấu phần của công trình. Chính quá trình chuyển đổi từng phần, có định hướng và phù hợp với thực tiễn sẽ tạo nền tảng cho đô thị xanh phát triển bền vững trong tương lai.
Hân Nguyễn